Danh thắng trầm tích núi lửa Ba Làng An kêu cứu

TP - Danh thắng Ba Làng An (thôn Phú Quý xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) với những kết cấu địa chất độc đáo cùng quần thể đá bazan, nham thạch núi lửa triệu năm đang bị xâm hại.

Trầm tích núi lửa bị vùi lấp, tàn phá

Nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 25 km về phía Đông Bắc, danh thắng Ba Làng An (còn có tên gọi khác là Ba Tân Gân) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Mũi Ba Làng An có kết cấu địa chất độc đáo với quần thể đá bazan, đất đá ong và vết tích nham thạch núi lửa phun trào. Nham thạch núi lửa chảy về phía biển gặp nước đông cứng lại tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp bên bờ biển. Khu vực này cũng có 3 mũi đá nhô ra biển gọi là mõm Lò ở phía Nam, mõm Đông ở phía Tây và mõm Đèn ở phía Bắc.

Hàng quán mọc lên bên thềm trầm tích núi lửa. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Các mũi này được hình thành trên núi đá lửa bazan, có tuổi khoảng 1 triệu năm tạo nên những cảnh quan kỳ thú, có giá trị địa mạo phục vụ nghiên cứu khoa học, vừa mang vẻ đẹp tự nhiên có khả năng khai thác phục vụ nhu cầu du lịch văn hóa nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân.

Danh thắng Ba Làng An còn là nơi có địa đạo Đám Toái được công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 1991. Ở đây còn có những di tích gắn với đội hùng binh Hoàng Sa như di tích Vườn Đồn, miếu Hoàng Sa,… Nơi đây còn được tô điểm thêm bằng kiến trúc tháp Hải Đăng (đèn biển Ba Làng An), do người Pháp xây dựng lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ 19 trên mặt bằng đỉnh núi phía Bắc. Đồng thời, khu vực này có hệ sinh thái đa dạng phong phú với nhiều loại sinh vật biển như cá, tôm, cua, mực, ốc,… đặc biệt là bào ngư, ốc vú nàng, cá tà ma.

Tại cuộc họp báo quý II/2022 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nêu rõ, để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của UBND xã Bình Châu. “Quản lý nhà nước về đất đai ở huyện Bình Sơn để lại rất nhiều tồn tại, đặc biệt trên địa bàn xã Bình Châu. Để xảy ra tình trạng xây dựng các hàng quán ở danh thắng này sẽ dẫn đến rất khó cưỡng chế, xử lý. UBND huyện Bình Sơn cần phải lập biên bản xử lý, tháo dỡ ngay, để lâu dài trở thành điểm nóng”, ông Minh yêu cầu.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, danh thắng Ba Làng An đang bị xâm lấn và tàn phá nghiêm trọng. Một số hộ dân phá núi, rừng phòng hộ để mở các hàng quán phục vụ dịch vụ ăn uống.

Những tuyến đường, kè bê tông, cốt thép được xây dựng, xâm lấn, vùi lấp các lớp đá trầm tích núi lửa. Vẻ hoang sơ của thắng cảnh Ba Làng An hiện nay đang bị xâm hại một cách thô bạo. Thậm chí, mặc dù các hộ xây dựng trái phép đã từng bị xử phạt nhưng ngành chức năng của địa phương vẫn không chỉ đạo tháo dỡ công trình mà để cho người dân tiếp tục xâm lấn xây dựng rộng hơn.

Trước đó, vào tháng 7/2020, UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức kiểm tra, xử lý các hộ dân tự ý lấn chiếm, xâm hại danh thắng để xây kè, mở hàng quán, làm dịch vụ tại đây. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay, tình trạng này không những không được khắc phục mà còn tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn.

Chính quyền ngó lơ?

Được biết, ngày 25/10/1993, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định về việc bảo vệ Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Ba Làng An. Trong đó nêu rõ: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng nhà cửa, sản xuất và các hành động có tính chất xâm phạm phá hoại đến khu vực bảo vệ của di tích. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất đai ở các di tích trên phải được phép của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết, trong bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích bị lệch qua một bên, nên một số trường hợp xây dựng hàng quán trái phép ở danh thắng Ba Làng An là vi phạm trên lĩnh vực đất đai. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra và có báo cáo về sự việc này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, danh thắng Ba Làng An đang bị xâm hại nghiêm trọng ở ngay vùng lõi. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đánh giá hệ thống đá núi lửa ở Ba Làng An và khu vực lân cận vô cùng độc đáo và hiếm có trên thế giới. Danh xưng “Lý Sơn trong đất liền” hoàn toàn xứng đáng với Ba Làng An bởi vùng đất mang ba giá trị lớn là văn hóa, địa chất và lịch sử.