Đang xúc tiến lập trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại Phòng Thành Cảng - Trung Quốc

TPO - Chính quyền TP Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đang triển khai dự án xây dựng Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam và kho lạnh, làm điểm tập trung đầu mối để doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm có thể lưu trữ tới 600.000 tấn thủy, hải sản.

Thông tin trên được ông Tô Vạn Quang - đại diện Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh - nghiệp Việt Nam Trung Quốc tại Quảng Tây chia sẻ tại Diễn đàn thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 8/3.

Theo ông Tô Vạn Quang, Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng có trụ sở ở TP Khâm Châu (tỉnh Quảng Tây), là khu vực có khu thương mại tự do, khu ưu đãi thuế quan và nền tảng giao dịch, thanh toán mở cấp quốc gia.

ông Tô Vạn Quang, đại diện Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng.

Năm 2023, công ty dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím; ký hợp đồng mua cá ba sa, cá hố và nhiều loại hải sản khác.

Đặc biệt, theo ông Quang, với sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp quốc doanh tầm cỡ ở Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam và Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng đang xúc tiến thành lập Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng.

“Hiện, chính quyền TP. Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1, với diện tích 600 mẫu tính theo đơn vị của Trung Quốc (khoảng 40 ha), khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy, hải sản. Trong giai đoạn 2 của dự án, kho lạnh được nâng lên diện tích khoảng 60 ha, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy, hải sản”, ông Quang nói.

Đại diện Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng khẳng định, khi có sàn giao dịch và kho lạnh, xuất khẩu thủy, hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng sẽ là nơi các bên mua, bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm đối với doanh nghiệp và khách hàng.

Theo các doanh nghiệp, sầu riêng Việt vào Trung Quốc muộn hơn nên cần phải nâng cao tiêu chuẩn để có thể cạnh tranh với các nước.

Tại hội nghị, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu, Trung Quốc) cũng cho biết, hiện Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc nhưng muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có lợi thế sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam.

Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam. Do đó, Sunwah đề xuất Bộ NN&PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển...

“Để thắng trên thị trường, sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.

Bên cạnh đó, Sunwah dẫn kết quả nghiên cứu thị trường, cho rằng Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu khoai tây, cam quýt vào Vân Nam. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, có nhiều thương vụ vi phạm điều kiện hợp đồng. Điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Sunwah đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước. “Nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều, nhưng ngược lại thì ít. Do vậy, hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế”, vị này cho hay.