Đáng ngại phim Thái

TP - Xem Lừa đểu gặp lừa đảo (The Con-Heartist) choáng phết. Choáng là vì các bạn Thái Lan không thèm... gây choáng gì cả. 
Dàn diễn viên cứng cựa làm nên thành công của Lừa đểu gặp lừa đảo

Làm một phim rất giản dị mà đi vào lòng người. Chả trách trụ rạp dai dẳng từ 15/1 đến giờ với số suất chiếu trong ngày vẫn ở top đầu.

Lý do tôi đến với phim này khá ất ơ. Chỉ vì rảnh và muốn giải trí nhẹ nhàng. Mà đợt này chỉ có phim này là “bao hài” hơn cả. Dạo này người ta cứ đổ xô đi làm phim kinh dị chả biết tại sao. Thực tế chưa đủ đáng sợ sao?!

Xác định xem cho vui nên chẳng kỳ vọng gì nhiều. Đoạn đầu xem còn hơi chán vì quy mô hệt phim truyền hình. Ai hay đi Thái chơi thì rõ. Bên ngoài sao thì trong phim y thế. Họ chẳng cần phải chọn lựa bối cảnh xa hoa rực rỡ quá lên so với thực tế, cứ có sao quay vậy.

Phim chỉ có ít bối cảnh ở Bangkok, chủ yếu ở một tỉnh nào đó mà nhìn từ trên cao cũng không phải sầm uất gì cho lắm. Họ chẳng buồn lồng ghép phong cảnh để thu hút du lịch. Cũng chẳng thừa tiền làm kỹ xảo mãn nhãn thường thấy trong các phim lừa đảo Hollywood.

Nhưng phim quảng cáo cho ôtô và điện thoại cực kỳ khéo léo. Ô tô thì khá dễ. Cho nhân vật trẻ trâu mê xe đua là ổn. Điện thoại cũng vào hình khá ngọt vì có hẳn một diễn biến đầy kịch tính xung quanh điện thoại. À mà còn quảng cáo cho ngân hàng và hình như cả khách sạn. Tóm lại là lồng ghép trơn tru đến nỗi không biết kịch bản có trước rồi đi xin tài trợ hay viết kịch bản theo đặt hàng của các nhà tài trợ. Vẫn theo motif chung là “tôn vinh” những kẻ lừa đảo có tâm có tầm nhưng hoàn toàn là kịch bản gốc. Phim xoay quanh nữ nhân viên ngân hàng Ina bị phi công trẻ Petch lừa tình hết cả tiền tích cóp. Đã thế lại còn bị kẻ lừa đảo chuyên nghiệp Tower giả danh nhân viên thuế lừa chuyển tiền cho hắn. Nhưng lần này Ina không mắc bẫy vì đúng lĩnh vực chuyên môn. Cô bắt Tower phải giúp mình lừa Petch để lấy lại số tiền nếu không sẽ vạch mặt Tower. Họ rủ thêm cô giáo cũ của Ina và ông anh hờ của Tower để dàn dựng các màn lừa đảo đưa Petch vào bẫy. Bản chất lương thiện của Ina và bản năng lừa đảo của Tower giằng co lẫn nhau làm nên đường dây cốt truyện.

Phim hẳn muốn hướng tới khán giả đại trà nên cũng không thèm có các cảnh tình tứ luôn. Hoàn toàn tập trung vào gây cười. Tình tiết chặt chẽ, gây bất ngờ đúng chỗ, phát triển tâm lý nhân vật hợp lý. Những chỗ vô lý đều ở mức chấp nhận được trong thể loại hài hành động.

Và cái này là một ưu điểm lớn mà không biết bao giờ điện ảnh Việt mới lấy lại được. Đó là dàn diễn viên chuyên nghiệp. Phim sử dụng rất ít nhân vật mà nhân vật nào cũng có duyên mới tài. Diễn xuất đồng đều là lẽ đương nhiên. Nhưng từng diễn viên còn tỏ rõ sự đa năng. Muốn hài thành hài, muốn chính kịch thành chính kịch. Chứ không có kiểu Việt Nam, một số người đã diễn hài là chết tính cách, chết ngoại hình, thành “danh hài” muôn đời luôn. Thêm nữa, Việt Nam thường diễn viên hài hay hạn chế ngoại hình. Đây thì không, nhắc lại khả năng của họ muốn bi thành bi muốn hài ra hài luôn, không phụ thuộc ngoại hình, thứ hay chính. Ngoại hình và kể cả khẩu hình diễn viên Thái đa dạng và tự nhiên chứ không có kiểu một khuôn như Hàn Quốc.

Phim đưa ngay yếu tố thời sự COVID vào. Ta sẽ thấy nhân vật đeo mặt nạ trong suốt, bấm thang máy bằng khuỷu tay. Thấy các công ty du lịch lao đao ra sao. Vậy mà họ vẫn làm được phim xuất sang Việt Nam ngon ơ! Họ lại lấy luôn thứ khiến người ta sợ nhất lúc này (nguy cơ lan truyền COVID) để gây cười. Quản lý khách sạn Samson có khe hở giữa hai răng cửa rộng đến mức khi anh ta nói chuyện nước bọt bắn như mưa vào cà phê của khách…

Nói chung một phim tỏ ra không nguy hiểm, không tốn kém mà thực tế lại cực kỳ lợi hại. Vì họ quá chuyên nghiệp, lại ngay sát nách mình, nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lối sống. Nên nguy cơ họ “thôn tính” mình bằng điện ảnh là nhãn tiền.

Nhân nói tới tương đồng văn hóa lại nhớ gần đây xem một phim Việt chiếu rạp có cảnh nữ chính sắm quần áo mới cho bạn trai ma bằng cách đốt vàng mã. Cảnh này trở nên khá nổi bật trong tổng thể nhạt nhẽo của bộ phim. Tưởng rằng biên kịch nhà ta cũng có lúc thông minh đột xuất, về sau mới biết ý tưởng này lấy từ một phim dài tập của Thái Lan. Phim Việt chỉ có công đổi giới tính nhân vật, chuyển bốicảnh từ ngày sang đêm.

Nói chung một phim tỏ ra không nguy hiểm, không tốn kém mà thực tế lại cực kỳ lợi hại. Vì họ quá chuyên nghiệp, lại ngay sát nách mình, nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lối sống. Nên nguy cơ họ “thôn tính” mình bằng điện ảnh là nhãn tiền.