Đàn sếu đầu đỏ di cư vừa trở về Vườn quốc gia Tràm Chim

TPO - Trưa 26/12, Vườn quốc gia Tràm Chim ghi nhận 1 đàn có 7 cá thể sếu đầu đỏ đã trở về khu A5 của vườn sau đó bay về hướng huyện Tân Hồng, Đồng Tháp.

Chiều 26/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Văn Nhanh - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim - xác nhận thông tin trên.

Theo ông Nhanh, khoảng 11h10 cùng ngày, trong lúc tuần tra, nhân viên trạm bảo vệ Phú Hiệp - Vườn quốc gia Tràm Chim ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ bay ngang trạm Phú Hiệp, sau đó đàn sếu hướng về khu A5 của Vườn, rồi tiếp tục bay về hướng huyện Tân Hồng.

7 cá thể sếu đầu đỏ trở về Vườn quốc gia Tràm Chim vào trưa 26/12. Ảnh: VQG Tràm Chim.

Ông Nhanh cho biết, theo chu kỳ các năm trước, cuối tháng 12 hằng năm là thời điểm đàn sếu bắt đầu rời nơi sinh sản phía Bắc Campuchia để về vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vườn quốc gia Tràm Chim để kiếm ăn. Nhiều năm trước, Sếu đầu đỏ cũng bắt đầu về Tràm Chim vào thời điểm này. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, sếu về Tràm Chim rất muộn, có năm không về.

“Việc đàn sếu tự nhiên quay trở lại theo thời gian biểu trước đây là tín hiệu cho thấy môi trường tự nhiên của Tràm Chim đã dần được phục hồi. Đây là tín hiệu tốt cho chương trình phục hồi bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại vườn được UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai”, ông Nhanh nói.

Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng.

Hiện, các bãi cỏ năng tại các phân khu A1, A4 và A5 của Vườn quốc gia Tràm Chim đã phục hồi rất tốt, năng kim đã tạo củ, nguồn thức ăn cũng đa dạng cho sếu. Vườn đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiếp tục quản lý, điều tiết mực nước cho phù hợp các phân khu chức năng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sếu về kiếm ăn và trú ngụ.

Bên cạnh đó, vườn cũng cử cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24h tại bãi ăn bên trong Vườn và các vùng phụ cận (nơi sếu từng kiếm ăn) để giám sát và có các giải pháp kiến nghị quản lý cho phù hợp. Đồng thời, phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra, ngăn chặn người dân vào đánh bắt trái phép, khai thác tài nguyên bên trong Vườn, cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.

Hồi tháng 3/2023, Vườn quốc gia Tràm Chim ghi nhận 4 cá thể sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn trong thời gian ngắn.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Mục tiêu chung của Đề án nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu, với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.