Cuối năm 1999, cơn lũ lịch sử tháng 11 đã làm kiệt quệ, tiêu điều nhiều vùng quê thuộc huyện Phú Lộc. Để tạo sinh kế cho dân nghèo sau thiên tai khốc liệt, UBND tỉnh TT- Huế đề ra chủ trương hỗ trợ vốn trồng rừng cho nhiều địa phương.
Hưởng ứng chủ trương này, hàng trăm hộ dân các xã Lộc Sơn, Lộc Trì, Lộc Bình bắt tay trồng rừng trên phần đất do gia đình mình khai phá, sử dụng nhiều năm trước đó. Ngoài chi phí cây giống (850 nghìn đồng/ha), 3 năm đầu, mỗi ha rừng dân trồng được tỉnh hỗ trợ 462 nghìn đồng/năm cho công chăm sóc. Những năm tiếp theo, dân tự bỏ công, chi phí quản lý, bảo vệ rừng.
Đến cuối năm 2006, cơn bão số 6 tàn phá nhiều diện tích rừng trồng. Tại xã Lộc Bình, nhiều hộ dân được phép tận thu loại rừng kể trên để trồng mới mà không phải nộp cho nhà nước một đồng nào. Hơn 23,5 ha rừng không bị thiệt hại tiếp tục bị “treo” thời hạn thanh lý.
Cũng trong năm 2006, UBND tỉnh TT- Huế ra Quyết định 1430, quy định chính sách hưởng lợi khi khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách.
Tuy nhiên, đến năm 2010, khi áp dụng Quyết định 1430, tính công cho dân trồng rừng thì thấy: Với diện tích rừng trồng còn sót lại thuộc dự án khắc phục lũ lụt trên đất dân tự khai hoang và sử dụng, thì dân xã Lộc Bình được hưởng sau 10 năm bảo vệ, chăm sóc chỉ vỏn vẹn chưa tới 2 triệu đồng/hộ, chưa bằng thu nhập của một người phụ hồ trong 1 tháng.
“Hồi đó, nhận gạo, tiền hỗ trợ trồng rừng từ nguồn khắc phục lũ lụt, dân vùng sâu chúng tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của tỉnh. Đinh ninh đây là khoản hỗ trợ khắc phục thiên tai không hoàn lại như nhiều chương trình dự án khác, và do không có điều khoản ràng buộc nào, dân chúng tôi tự đầu tư thuê thêm nhân công, dồn các nguồn lực vào trồng rừng để mong sớm có thu nhập cải thiện cuộc sống nghèo khó”, ông Nguyễn Ngọc Đình, dân xã Lộc Bình cho biết.
Sau nhiều năm chờ đợi, đến cuối tháng 11-2009, sau khi biết giá trị thanh lý cây rừng được hưởng quá bèo bọt, nhiều hộ dân Lộc Bình không dám khai thác rừng vì ngại lún sâu thêm vào thua lỗ, nợ nần.