Dân khu vực bãi rác Đa Phước kêu trời

TP - Những ngày này, cứ tầm buổi chiều, hàng trăm xe chở rác tập kết hàng dài chờ vào khu xử lý rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh, TPHCM, mang theo mùi hôi và nước rỉ từ rác khiến người dân vô cùng bức xúc.
Xe chở rác tập kết thành hàng dài, khiến người dân sống cạnh quốc lộ 50 chết ngạt vì mùi hôi
Xe chở rác tập kết thành hàng dài, khiến người dân sống cạnh quốc lộ 50 chết ngạt vì mùi hôi . Ảnh: L.N

Có mặt tại QL 50 thuộc xã Đa Phước và đoạn đường dài hơn 2km vào nghĩa trang Đa Phước thuộc huyện Bình Chánh chiều 22-7, chúng tôi thấy khoảng 100 xe rác tập kết tại đây.

Theo quy định, bãi rác Đa Phước mở cửa tiếp nhận rác từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng mới 4 giờ chiều xe rác đã có mặt kịp xếp thành hàng dài, vì thế nước rỉ từ rác trên những chiếc xe chảy ra đường khiến người đi đường và dân sống quanh khu vực hưởng trọn mùi hôi thối nồng nặc.

Bà Mai Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội khuyến học xã Đa Phước, sống cách đoạn đường xe rác tập kết gần 1km, cho biết: "Cứ 4 đến 5 giờ chiều mỗi ngày là xe rác tập kết kèm mùi hôi khiến chúng tôi không thở nổi".

Chị Trần Thị Hằng Nga - sống cạnh quốc lộ 50, đường vào xã đã nhỏ, xe rác lại tập kết khiến tình trạng kẹt xe kéo dài. "Mỗi lần đón con đi học về, gặp kẹt xe là không chịu nổi mùi hôi thối từ xe rác bốc ra"- Chị Hằng nói.

Theo ông Trương Văn Hai ở ấp 5, xã Đa Phước, từ năm 2009 vào thời điểm ban ngày, người dân quanh bãi rác Đa Phước không phải hứng chịu mùi hôi thối từ bãi rác, nhưng vào thời điểm chiều tối đến khuya do xe rác tập kết nhiều nên gần đây lại bốc mùi. Nguy hại hơn, nước rỉ rác đọng lại thành vũng trên các vệ đường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Đỗ Văn Kề - Phó chủ tịch UBND xã Đa Phước cho biết, cảnh sát môi trường huyện Bình Chánh và lực lượng chức năng của xã đã phối hợp xử lý xe chở rác không đảm bảo vệ sinh nhưng tình trạng cũng chưa cải thiện.

Bà Phạm Thị Thúy Nga - đại diện khu xử lý rác Đa Phước thừa nhận, mỗi ngày bãi rác tiếp nhận xử lý 3.000 tấn rác. Có những lúc lượng xe tập kết đến 250 chiếc, xả nước thải xuống đường ai đi ngang cũng phải bịt mũi. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhiều xe chở rác từ TPHCM thường bơm nước vào để nặng cân hơn nhằm kiếm lời nên các chủ xe bất chấp nước thải rỉ ra đường.