Sự nở rộ của những tua du lịch khám phá thảo nguyên và đời sống của dân du mục thời gian gần đây khiến số lượt tìm kiếm thông tin về cuộc sống kỳ lạ này trở nên cấp thiết với dân phượt. Bộ ba tập sách “Dân du mục” của tác giả Ilyas Yesenberlin (NXB Phụ Nữ) đã bày ra gần như mọi khía cạnh của cuộc sống du mục vốn xa lạ và không có nhiều thông tin này.
Cuốn sách bắt đầu từ thời gian hình thành của hãn quốc Kazakh thế kỉ 15-16, trải qua không biết bao nhiêu cuộc đấu tranh chống lại các đạo quân xâm lược từ các nước khác trong thế kỷ 17-18 kéo dài đến vị hãn cuối cùng của người Kazakh trong thế kỷ 18 và 19. Ngày nay, người Kazakh được coi là một trong những dân tộc sở hữu nền văn hóa du mục cuối cùng còn sót lại của thế giới.
Ngay từ khi xuất bản, bộ sách đã được coi là biên niên sử của người Kazakh với lượng thông tin đồ sộ kết hợp nhuần nhuyễn các sự kiện lịch sử lẫn những câu chuyện cổ xưa giàu tính truyền kỳ. Rất khó để tách bạch truyền thuyết, sử thi và sự thật trong cuốn sách. Điều này khiến cho những câu chuyện lịch sử khô khan trở nên cuốn hút hơn nhiều.
Thế giới của dân du mục cũng dần được hé lộ cùng với lịch sử phát triển của người Kazakh. Cùng với nhiều tập tục, thói quen kỳ lạ để thích nghi với cuộc sống nay đây mai đó nơi thảo nguyên rộng lớn, những câu chuyện tình yêu luôn là một điểm nhấn khiến bức tranh lịch sử trở nên đời hơn, ấm áp và rực rỡ hơn. Một thứ tình đẹp và phóng khoáng đúng như không gian rộng lớn mà những người du mục chọn làm nơi sinh sống.
Nơi đó, một cô gái trẻ từ chối lời ép hôn bằng một cái dao găm cuốn trong ống tay áo, và khi đã nói rõ ràng tình cảm của mình, cô phóng khoáng thúc ngựa rời đi.
Nơi đó, khi cha vợ - con rể (kẻ thù của nhau) tái ngộ, người con rể đã không ngần ngại rút tên bắn con hổ để cứu kẻ thù của mình. Rồi khi cô gái giương cung thực hiện nghĩa vụ của một chiến binh, người trai ấy lại ngăn cơn sóng dữ theo cách của mình.
- Thật vô ích, anh đã giữ tay em... Giả sử anh rơi vào nanh vuốt của ông ta, thì ông ta đã không tha...!
- Với người phụ nữ đã giết cha ruột của mình thì anh không thể nào sống chung dù chỉ một đêm!
- Nếu đã vậy, anh hãy tự tay giết ông ấy đi!
- Người phụ nữ có tấm lòng trong sáng nào lại gọi kẻ đã giết cha mình là chồng không?
...
Luôn luôn có những câu chuyện tình yêu lấp lánh như vậy trong suốt hành trình giữ nước của người Kazakh. Để chuẩn bị cho bộ sách này, nhà văn Ilyas Yesenberlin đã mất 15 năm để thu thập tư liệu.
Ông đã bắt đầu nghĩ về “Dân du mục” từ năm 1945 nhưng phải đến năm1960 mới bắt tay vào viết. Con trai nhà văn hồi tưởng: “Tôi nhớ rằng ông đã làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày. Không có máy tính, ông viết bằng tay, sau đó gõ trên máy đánh chữ, rồi sửa chữa…”.
Nói thêm là vào giai đoạn I. Yesenberlin viết “Dân du mục”, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào về quá khứ của người Kazakh, chưa có đánh giá cơ bản nào được đưa ra đối với các sự kiện lịch sử đã biết…
Ông được coi là một trong những người đầu tiên khảo cứu và cũng là người đầu tiên trong số các nhà văn thực hiện công việc nghiên cứu khó khăn và đầy trách nhiệm này. Mọi dụng công ấy cho phép ông đưa những tư liệu mà người đọc chưa biết đến thành hiện thực sôi động trong cuộc sống hằng ngày thời xa xưa nhằm soi sáng lịch sử trải dài suốt năm thế kỷ - từ đầu thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 - của thảo nguyên Kazakh vốn nằm ở ngã ba châu Á và châu Âu.
Không phải ngẫu nhiên mà trong ba thập kỷ, bộ tiểu thuyết “Dân du mục” của nhà văn Ilyas Yesenberlin đã được xuất bản 50 lần, tổng số phát hành 3 triệu bản, được dịch ra 30 thứ tiếng khác nhau và được trao Giải thưởng Nhà nước Kazakhstan.
Đánh giá về bộ sách, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã không tiếc lời ca ngợi: “Tác phẩm bộ ba nổi tiếng Dân du mục nổi bật với phạm vi sử thi, tính linh hoạt của hành động, hình ảnh sống động và độc đáo về các nhân vật kiệt xuất của lịch sử Kazakhstan, ngôn ngữ chính xác và biểu cảm”.
Và như một lẽ đương nhiên, bộ tiểu thuyết này đã chiếm vị trí trung tâm trong sự nghiệp văn học lẫy lừng của Ilyas Yesenberlin.