Sáng 6/9, Sở Y tế Đắk Nông thông tin, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 16 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên toàn tỉnh lên 324 trường hợp. Trong đó, 15 bệnh nhân đều trú tại huyện Đắk R’lấp có yếu tố tiếp xúc gần, sống cùng nhà với T.D (buôn Bu Bia, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp).
D. là nữ sinh lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Đắk R’lấp, được phát hiện mắc COVID-19 trước giờ khai giảng năm học mới khi ngành y tế lấy mẫu sàng lọc, xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Ngay khi ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, trong ngày 5/9, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những trường hợp liên quan đến nữ sinh D. Ngày 6/9 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông thực hiện.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện Đắk R'lấp quyết định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ địa giới hành chính xã Quảng Tín, kể từ 21h ngày 5/9/2021 cho đến khi có thông báo mới. Huyện cũng đã quyết định cho học sinh tạm thời nghỉ học tại trường kể từ 6/9/2021 cho đến khi có thông báo mới. Ban Chỉ đạo huyện Đắk R’lấp đề xuất ngành Y tế tỉnh tiếp tục hỗ trợ nhân lực để mở rộng lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.
Ngay khi xuất hiện ổ dịch mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Đắk Nông đã họp khẩn triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định đây là ổ dịch lớn, phức tạp, chưa rõ nguồn lây nên cần phải thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp khoanh vùng, dập dịch và mở rộng xét nghiệm trên diện rộng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm; lực lượng công an, quân sự tăng cường hỗ trợ địa phương đẩy nhanh công tác điều tra, truy vết được kịp thời và bảo đảm an ninh trật tự, lập các chốt chặn; địa phương tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp ra, vào, chuẩn bị lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân trong các khu vực bị phong tỏa…
Lâm Đồng đón thêm 125 thai phụ và thân nhân từ 8 tỉnh thành
Sáng 6/9, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ký văn bản thống nhất chủ trương cho phép các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức đón phụ nữ mang thai và thân nhân đang ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp và Khánh Hòa về địa phương bằng phương tiện xe ô tô.
Có 6 huyện và thành phố tổ chức đón thai phụ đợt này, bao gồm Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương, Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Hiện 17 thai phụ và thân nhân đã về đến Lâm Đồng; 108 người còn lại sẽ được đón trong những ngày tới.
UBND tỉnh đã giao Sở y tế hướng dẫn và phối hợp UBND các huyện, thành phố nêu trên đảm bảo các điều kiện cần thiết về chăm sóc y tế và cách ly phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình đón công dân về địa phương theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND 6 huyện, thành phố nói trên phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý thai phụ và thân nhân (chồng hoặc cha, mẹ, anh, chị, em, con ruột) đi cùng. Mỗi thai phụ chỉ có một người đi cùng, phải có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (bằng kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR) còn hiệu lực trong vòng 72 giờ; đồng ý cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có và không thu phí, sau đó cách ly y tế tại nhà tối thiểu 14 ngày.
Được biết, chủ trương tổ chức đón thai phụ và thân nhân từ những vùng đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ về địa phương đã được triển khai từ ngày 20/8. Đến nay, Lâm Đồng đã đón 446 trường hợp, trong đó, 429 người về trên 3 chuyến bay của bamboo airways và 17 người về bằng ô tô.
Khi về đến Lâm Đồng, mọi người phải cách ly tập trung theo quy định về phòng chống dịch. Ngày 5/9, có 1 thai phụ và chồng (đang được cách ly tại huyện Đức Trọng) dương tính với SARS-CoV-2, được chuyển cách ly điều trị tại khu điều trị COVID-19 ở Trạm y tế Liên Hiệp.
Các địa phương trong tỉnh cũng lưu ý, những trường hợp tự ý di chuyển bằng phương tiện cá nhân để về Lâm Đồng, không có tên trong danh sách do UBND tỉnh phê duyệt, không theo kế hoạch, phương án là vi phạm quy định phòng, chống dịch, sẽ không được tiếp nhận.
Đề nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhà báo ở Lâm Đồng
Ngày 6/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh này đề nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhà báo.
Theo nội dung văn bản, thời gian qua, đội ngũ phóng viên báo chí địa phương và các báo Trung ương, tỉnh bạn đóng trên địa bàn Lâm Đồng đã tích cực tham gia vào nhiệm vụ phòng chống dịch; kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đến với nhân dân, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa bị lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong quá trình tác nghiệp, đội ngũ phóng viên, nhà báo đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 vào ngày 23/6. Nay Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị CDC Lâm Đồng xem xét ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho đội ngũ này trong thời gian sớm nhất.
Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 4/9, Lâm Đồng tổ chức 3 chuyến bay đón 429 thai phụ và người thân từ các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 về địa phương để sinh con. Nhiều nhà báo có mặt tại sân bay Liên Khương để đưa tin về sự kiện này.
Ngày 5/9, Sở Y tế Lâm Đồng thông tin một thai phụ và chồng (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) trên chuyến bay QH9254 từ TP.HCM về Lâm Đồng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Mặc dù được trang bị quần áo bảo hộ đúng chuẩn (cấp 4), khẩu trang, kính chắn giọt bắn... nhưng nhiều nhà báo đến đưa tin về sự kiện trên được yêu cầu tự cách ly tại nhà để phòng dịch.
Một số nhà báo ở Lâm Đồng phản ánh, theo quy định của Chính phủ thì phóng viên nằm trong nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch, cần ưu tiên số 1 trong việc tiêm vaccine, nhưng đến nay đã 2,5 tháng, đa số phóng viên của Trung ương và địa phương vẫn chưa được tiêm mũi 2.
"Nếu phóng viên được tiêm đủ 2 mũi thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ rất ít; không phải cách ly dài ngày sau mỗi lần tác nghiệp. Phóng viên thường trú mỗi cơ quan chỉ có từ 1- 3 người; cứ mỗi lần tác nghiệp lại nghỉ 14- 21 ngày thì còn ai làm việc nữa?", các nhà báo bày tỏ.