Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Không có lửa làm sao có khói?
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tranh luận xoay quanh phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phản ứng của dư luận đối với bộ phim “Đất rừng phương Nam”.
Đại biểu nhắc lại phần trả lời phần chất vấn chiều qua của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL rằng: Bộ phim này theo đánh giá của hội đồng thì “không vi phạm pháp luật về điện ảnh”. Còn chuyện dư luận cho rằng, có những biểu hiện này, biểu hiện khác đó là những dư luận chưa thật chuẩn xác, cần phải được xem xét và tính toán để xử lý theo quy định”.
“Tôi không có ý kiến, vì đã có quy định của pháp luật, tuy nhiên tôi cho rằng ý thứ hai, đánh giá của Bộ trưởng về “dư luận” như vậy là chưa thỏa đáng và cần phải nhìn nhận lại”, ông An nêu.
Đại biểu cho rằng, dư luận xã hội là hình thức biểu hiện trạng thái ý thức của xã hội rất bình thường. Dư luận thì có dư luận đúng, dư luận sai, có cái tốt, có cái xấu, không phải ý kiến nào được nêu ra cũng là để “đánh cho ai đó chết” mà là để góp ý, nêu quan điểm để làm cho mọi thứ rõ ràng, tốt đẹp hơn.
“Do đó, không nên đánh đồng các loại ý kiến, dư luận nhất là những góp ý để bảo vệ tính chân thực, bảo vệ sự thật, bảo vệ giá trị của lịch sử”, ông An cho hay.
Trong công tác quản lý, theo đại biểu, cơ quan nhà nước cần phải lắng nghe, theo dõi dư luận để có những điều chỉnh cần thiết bởi mọi thứ đều có lý, “không có lửa thì làm sao có khói”, tránh việc bỏ qua dư luận (hoặc coi thường dư luận), để mọi việc đi quá xa, thành vấn đề “nóng” rồi mới có động thái là không ổn.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho hay, bộ phim được Hội đồng kiểm duyệt, nhưng ngày 29/9 bảo đúng, tới 15/10 thì đề nghị sửa "sau khi lắng nghe dư luận". “Tôi cho rằng như vậy chất lượng kiểm định và trách nhiệm của Cục Điện ảnh là chưa cao. Những nội dung nếu đã coi là sai sót thì phải sửa, thậm chí cắt bỏ, chứ không thể đổi tên là xong", ông An nói.
Đại biểu cũng cho rằng: "Nói "sửa tên để tránh gây liên tưởng" chỉ thuyết phục được một nửa, một nửa còn lại là bản chất lịch sử là phải chân thực, vì đó là chuyện của cả một dân tộc và là trách nhiệm giáo dục truyền thống, không thể xem nhẹ”.
Cũng theo đại biểu, bộ phim có thể hay ở góc độ điện ảnh, nghệ thuật, có thể lấy cảm hứng từ mọi nguồn nhưng với lịch sử, với văn hóa dân tộc thì phải luôn chân thực, trung thực và không được làm méo mó. Và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải làm rõ được đâu là hành vi sai trái để xử lý, đâu là dư luận đúng đắn để tôn vinh.
“Đối với lĩnh vực văn hóa, ngoài câu chuyện của phim ảnh, còn rất nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm, tôi lấy ví dụ như câu chuyện có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp dẫn đến cảnh “ra ngõ gặp hoa hậu”, “lạm phát hoa hậu”; quá nhiều hoa hậu có cần thiết cho xã hội? Công tác quản lý các cuộc thi sắc đẹp như thế nào?”, ông An nêu
Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, đây là những vấn đề chính đáng mà dư luận đặt ra và cơ quan quản lý phải quan tâm để có chính sách phù hợp chứ không phải "chăm chăm đi xử lý", mà muốn xử lý thì cũng phải theo quy định chứ không thể tùy tiện.
Không chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, bôi nhọ
Trả lời tranh luận, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nói, căn cứ vào Luật Điện ảnh, bộ phim đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia tiến hành thẩm định. Ông tiếp tục khẳng định bộ phim “không vi phạm pháp luật về điện ảnh”, nên được cấp phép, phổ biến.
“Bộ VH-TT&DL tôn trọng quyết định của Hội đồng. Trong trường hợp phát hiện Hội đồng làm sai và vi phạm pháp luật thì khi đó mới có căn cứ để xử lý chặt chẽ”, ông Hùng cho hay.
Theo Bộ trưởng, Bộ Văn hoá cũng rất thận trọng trước những thông tin có tính chất tranh luận trên nền tảng mạng xã hội. Bộ trưởng đã yêu cầu Hội đồng xem xét, tiếp thu những ý kiến hợp lý mà dư luận phản ánh.
“Hội đồng đã họp và phối hợp các cơ quan hữu quan xem xét lại, và khẳng định, bộ phim vẫn đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động. Vì vậy, cá nhân Bộ trưởng và Bộ Văn hoá đều phải tôn trọng quyết định của Hội đồng, vì Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác này”, Bộ trưởng Hùng lý giải.
“Về phát biểu của tôi trong phiên thảo luận ngày hôm qua, tôi có nói rằng, nếu có các biểu hiện bôi nhọ và bêu xấu thì phải được nghiêm túc xử lý. Ở đây tôi nói là nếu có, vì chúng ta đã có Luật An ninh mạng, có quy tắc xử lý nêu trong văn bản.
Việc ý kiến khen - chê khác nhau là bình thường, nhưng chúng ta không thể chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, bôi nhọ, bôi xấu... Người Việt có câu "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, Bộ trưởng Hùng nói.