Năm học 2023-2024 diễn ra mới hơn một tháng nhưng nhiều cơ sở giáo dục bị phụ huynh tố lạm thu, đặt ra nhiều khoản thu vô lý.
Đơn cử như Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) gây bức xúc cho phụ huynh, xã hội khi đưa ra bản dự kiến chi tiêu với tiền quỹ cha mẹ học sinh lên đến hơn nửa tỷ đồng. Sau khi phụ huynh phản ánh, nhà trường đã phải trả lại toàn bộ kinh phí đã vận động của phụ huynh 14/35 lớp, tổng số tiền là 162.040.000 đồng.
Tương tự, Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) cũng gây xôn xao dư luận khi lớp học 1/2 thu quỹ cha mẹ học sinh hơn 300 triệu đồng. Sau khi cơ quan quản lý vào cuộc, Trường tiểu học Hồng Hà đã phê bình giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 và hoàn trả số tiền thu - chi sai quy định cho cha mẹ học sinh.
Mới đây, ban Giám hiệu Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản thu sai quy định cho từng phụ huynh…
Trước đó, trường THPT Thanh Miện III (Hải Dương) cũng bị phụ huynh tố có dấu hiệu lạm thu khi đặt ra nhiều khoản thu phi lý. Sau khi nhận được phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nhiều khoản thu của trường không đúng và vượt mức quy định.
Trao đổi với VOV2, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bức xúc, việc các cơ sở giáo dục gán mác xã hội hóa giáo dục, thỏa thuận... để đưa ra các khoản thu vô lý là một vấn nạn trong giáo dục hiện nay.
Ông Hòa cho rằng, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng không vì lý do này để yêu cầu phụ huynh đóng tiền mua từ chiếc quạt, điều hòa, rèm cửa, sơn sửa lớp học... đến mua bàn ghế, máy chiếu, tivi...
"Phải làm rõ việc xã hội hóa và đưa ra các khoản thu vô lý trong nhà trường liệu có lợi ích nhóm hay không? Giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường có lợi ích gì khi đặt ra các khoản thu vô lý?”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, đảm bảo cơ sở vật chất trường học là trách nhiệm của nhà nước, của địa phương. Việc sửa chữa trường lớp, đầu tư trang thiết bị lớp học cũng không nên dồn lên vai phụ huynh.
Điều khiến ông Hòa bức xúc là vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị lu mờ. Tại nhiều trường học, Ban đại diện cha mẹ học sinh còn trở thành công cụ, là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm để hợp thức hóa các khoản thu.
"Cách làm được nhiều trường hiện nay thực hiện là gợi ý hội phụ huynh. Sau đó hội phụ huynh sẽ phát động ủng hội, quyên góp. Khi phát động quyên góp rất khó để phụ huynh nào từ chối. Nhiều phụ huynh rất bức xúc nhưng sợ nói ra con em mình sẽ bị trù dập, chê bôi, bị cô lập... Trong trường hợp có thanh tra, kiểm tra thì trường sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho hội phụ huynh. Đây là chiêu trò mà nhiều trường đang thực hiện", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Vấn đề đặt ra theo ông Phạm Văn Hòa, các khoản thu được các cơ sở giáo dục đưa ra tại sao các cơ quan quản lý cấp trên không biết? Hay biết mà làm ngơ? Trách nhiệm của phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT ở đâu trong công tác quản lý?
Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng băn khoăn trong thời gian qua nhiều trường học để xảy ra lạm thu gây bức xúc trong xã hội nhưng vì sao chưa có hiệu trưởng nào bị kỷ luật, bị cách chức?
Để môi trường học đường không bị thương mại hóa, ông Hòa kiến nghị cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thu-chi trong trường học; Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi đặt ra các khoản thu trái quy định; Trường học nào đặt ra các khoản thu vô lý, không đúng quy định phải kỷ luật hiệu trưởng để làm gương.
"Ngay cả việc tổ chức dạy các liên kết trong nhà trường hiện nay cũng tồn tại rất nhiều bất cập. Quy định rõ là không được dạy chèn môn liên kết vào giờ học chính khóa vậy tại sao các trường vẫn thực hiện? Xếp lịch học như thế khác nào đánh đố học sinh, ép học sinh phải học? Trường học gian lận, làm trái quy định như thế vì sao không thanh tra, kiểm tra và xử lý?, ông Hòa nói.
Mới đây, trong văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở giáo dục về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2023 - 2024, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục - tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học.
Đồng thời chỉ đạo và quán triệt cơ sở giáo dục thực hiện việc vận động, quản lý và sử dụng khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Các cơ sở giáo dục công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT- BGDĐT của Bộ GD-ĐT; chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu.