‘Đại bàng’ FDI liên tiếp ‘làm tổ’ ở Việt Nam

TPO - Trải qua 2 năm dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đã khẳng định được lòng tin với nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn tiếp tục dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam. Điều này cũng góp phần tạo cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

“Ông lớn” FDI đua nhau mở rộng sản xuất ở Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Luỹ kế từ khi thực hiện chính sách thu hút FDI đến nay, trong 21 ngành nghề hút vốn FDI, ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu với tổng vốn hơn 252 tỷ USD, chiếm tới gần 60% tổng vốn.

Không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota. Nhiều tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả.

Tiêu biểu như, Samsung Việt Nam liên tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Vào tháng 2/2022, Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) thông báo đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD. Chỉ vài tháng sau, công ty này tiếp tục tăng vốn 267 triệu USD. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Samsung – SEHC tăng vốn thêm 841 tỷ USD. Luỹ kế từ khi thành lập tới nay, Samsung đã đầu tư tại Việt Nam trên 19 tỷ USD và xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam ngày càng mở rộng.

Không chỉ dịch chuyển sản xuất, Samsung còn xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội.

“Trung tâm R&D mới không chỉ là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của Samsung ở khu vực Đông Nam Á”, đại diện Samsung cho biết.

Nhiều DN FDI lớn liên tiếp mở rộng sản xuất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ảnh: Như Ý

Ngoài Samsung, hàng loạt “ông lớn” FDI liên tục mở rộng sản xuất ở Việt Nam, như Intel đầu tư khoảng 475 triệu USD vào sản xuất chip tại Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của công ty lên khoảng 1,5 tỷ USD. Qualcomm cũng khai trương Phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm tra, Nghiên cứu và Phát triển chất bán dẫn đầu tiên tại Hà Nội.

Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào các nhà máy ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng tìm hiểu cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn Pegatron của Đài Loan đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2 sau dự án đầu tiên được cấp phép từ tháng 3/2022, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng cho biết thành lập 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương- Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, thì văn hoá của doanh nghiệp, tính bền vững trong kinh doanh của doanh nghiệp…phải được thiết lập đầy đủ. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần phải tạo dựng chất lượng xuyên suốt trong suốt quá trình hoạt động mới có thể hội nhập sâu và có những giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để góp phần giúp doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chen chân vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, bà Hương kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chính sách thu hút FDI có chọn lọc. Đồng thời, có điều kiện cơ bản để các FDI có sự lan toả, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn, ở những mắt xích then chốt hơn.

“Chúng ta đã có một số hình mẫu điển hình về việc doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chen chan vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tiêu biểu như, chương trình Phát triển nhà máy thông minh do Bộ Công Thương phối hợp với Sam Sung tổ chức, đã được Sam Sung cam kết đào tạo 50 doanh nghiệp phát triển nhà máy thông minh. Và sắp tới, hãng Boeing cũng sẽ thiết lập một hệ sinh thái cung ứng… Vì thế, tôi cho rằng, các chính sách của chúng ta nên quan tâm, chào đón các doanh nghiệp đầu chuỗi, có giá trị và thiện chí phát triển các chuỗi giá trị tại Việt Nam”, bà Hương cho biết.

Để giúp doanh nghiệp Việt tăng cường liên kết với khu vực FDI và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách và thực hiện phải hướng tới những sản phẩm chất lượng và đột phá. Từ quyết tâm đó mới thành "khôn ngoan" về mặt chính sách, mới có giải pháp rõ ràng để thực hiện.