Đặc sản Kiến Rừng ở Krông Pa

TPO - Đồng bào bản địa huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) thích đi vào rừng bắt kiến trên cây mang về làm thực phẩm cho gia đình, hoặc bán với giá 150 nghìn đồng/kg. 
Kiến rừng tết các lá cây lại để làm tổ

Kiến rừng làm tổ trên cây bằng cách dùng nước bọt kết những lá cây lại, tổ to có khi nặng đến 3kg. Kiến rừng màu vàng óng, to bằng hạt gạo, vị chua, béo. Đồng bào lấy về ướp với muối, ớt, mì chính (bột ngọt) để ăn sống hoặc chấm với thịt bò, thịt gà.

Ngoài ra, trứng kiến còn được lọc riêng nấu chín cho trẻ em ăn. Đặc sản thịt bò một nắng chấm với muối kiến rất nổi tiếng vị lạ, thơm ngon đặc trưng núi rừng Tây Nguyên.

Anh Ksor Jim (26 tuổi, buôn Chai, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) chia sẻ: Chỉ cần chậu, rá đựng, quẹt lửa, dao là có thể bắt được kiến rừng. Một ngày lấy được khoảng 5kg, bán với giá 150 nghìn đồng/kg. Tổ kiến hễ lá bao ngoài màu vàng úa thì bên trong đã có trứng.

"Kiến này cắn đau nhưng không độc. Người dân buôn Chai mình không ăn thịt, cá cũng được nhưng phải có muối kiến. Ăn kiến rừng giúp cái tay mình khoẻ, không bị ốm đau" - Anh Jim nói.

Kiến Rừng thường chọn các khu rừng khô ráo để làm tổ
Tổ Kiến Rừng
Kiến Rừng cắn đau nhưng không sưng tấy, sẽ hết trong khoảng 1 phút 
Phát hiện có nguy hiểm, cả bầy Kiến Rừng bao quanh ngoài tổ để bảo vệ
Những tổ kiến lấy xong được đúc vào bao, sau đó người dân mang về rang sơ trên chảo nóng, và có thể sử dụng ngay
Trứng kiến thơm ngon, có vị béo nên người dân sẽ lọc riêng cho trẻ em hoặc người lớn tuổi ăn để tăng cường sức khoẻ
Người dân thường giã kiến với muối, ớt, mì chính (bột ngọt)...để ăn với thịt bò, gà, lợn. Hoặc có thể xào nguyên con dùng trong các bữa cơm