Đặc sản dâu tây Sơn La chuẩn bị xuất khẩu

TPO - Ngày 6/12, trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Lương - Chủ tịch Liên hiệp HTX Dâu tây Sơn La cho biết, đơn vị này vừa ký hợp đồng ghi nhớ với đối tác và sẽ xuất khẩu dâu tây Sơn La sang thị trường Singapore, Malaysia.

"Chúng tôi đang chờ dâu tây vào chính vụ để xuất khẩu. Dự kiến chuyến đầu tiên xuất khoảng 500 kg nhằm thăm dò thị hiếu người tiêu dùng ở hai quốc gia này", bà Lương nói.

Theo bà Lương, dâu tây Sơn La có giống từ Nhật Bản, thu hoạch đầu tháng 12 đến giữa tháng 5 năm sau. Khi hái đạt độ chín trên 90% nên dâu có độ ngọt, thơm "không thua kém dâu nhập từ Hàn Quốc".

Mùa vụ năm ngoái, Liên hiệp HTX Dâu tây Sơn La thu hoạch khoảng 320 tấn, được bán tại 26 tỉnh, thành trong cả nước.

Năm nay, đơn vị này dự kiến thu hoạch khoảng 750 tấn dâu tây và sẽ lần đầu "tiến vào thị trường phía Nam cũng như xuất khẩu sang Singapore, Malaysia". Giá bán đầu vụ mỗi kg dâu tây Sơn La tại Hà Nội là 380.000 đồng.

Bà Lương cho biết thêm, dâu này được trồng và thực hiện nghiêm ngặt các bước từ thu hoạch, đóng gói theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap. "Mọi quy định từ khi hái tới lúc lên kệ siêu thị, cửa hàng ở Hà Nội không quá 18 tiếng để đảm bảo độ tươi ngon", Chủ tịch Liên hiệp HTX Dâu tây Sơn La nói.

Dâu tây chỉ là một trong số nông sản, đặc sản của Sơn La đang được giới thiệu, bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) nhân tuần lễ nông sản, thực phẩm Sơn La.

Ông Nghiêm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La, năm nay tỉnh Sơn La xuất khẩu hơn 161 triệu USD, trong đó nông sản xuất khẩu gần 151 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm: chè, cà phê, tinh bột sắn, xoài, nhãn...

Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19, Sơn La cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thị trường trong nước (siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, thương mại điện tử) trở thành nơi tiêu thụ chính. Tỉnh cũng đẩy mạnh sơ chế, chế biến các sản phẩm trái cây, nông sản để kéo dài thời gian bảo quản và nâng cao giá trị sản phẩm.