Ngân hàng:

Đã hết thời cạnh tranh bằng lãi suất?

TP - Chênh lệch lãi suất (cả huy động và cho vay) giữa các ngân hàng không còn là mối bận tâm quá lớn của doanh nghiệp bởi độ khác biệt không lớn. Giờ đây, các ngân hàng chuyển hướng sang thu hút và giữ chân khách hàng bằng dịch vụ.
Ngân hàng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất chung được đánh giá là ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn liên tục triển khai những chương trình ưu đãi lãi suất dành riêng cho  doanh nghiệp để một mặt hỗ trợ nền kinh tế theo chỉ đạo chung của Nhà nước, mặt khác nhằm thu hút khách hàng về phía mình.

Tuy nhiên, công cuộc cạnh tranh bằng lãi suất dường như chưa đủ mạnh bởi mức ưu đãi của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không quá chênh lệch nhau. Nhìn bề ngoài, các ngân hàng lớn có mức lãi suất thấp nhưng cộng các khoản không chính thức, tính ra mức lãi suất cũng không rẻ. Chính vì vậy, nhà băng giờ đây lại thiên về thu hút khách hàng bằng các sản phẩm  có định vị mạch lạc cho từng phân khúc và đặc biệt là chất lượng, dịch vụ nhiều hơn.

Đơn cử như ở VPBank, ngân hàng phân định khách hàng ra nhiều nhóm, từ khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp lớn, khách hàng ưu tiên…để áp dụng những nhóm sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm.

Tại nhóm SME, ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm tài chính như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng   VPBiz, trả lương qua tài khoản Happy Payroll, chuyển tiền quốc tế, L/C, tài trợ thương mại, giao dịch phái sinh, nộp thuế điện tử …Với mỗi sản phẩm, ngân hàng lại dành những ưu đãi riêng biệt như hỗ trợ giảm phí, kết hợp với các đối tác để giảm giá, hoàn tiền cho chủ thẻ…

Song song với những ưu đãi ấy, ngân hàng còn triển khai hẳn một chương trình tri ân quy mô lớn và dài hơi dành cho tất cả các dịch vụ và sản phẩm mà nhóm doanh nghiệp SME sử dụng, đó là tích điểm đổi quà.

Cụ thể, mỗi khi khách hàng giao dịch chuyển tiền qua kênh ngân hàng điện tử (VPBank Online) và tại quầy; Dịch vụ chuyển tiền quốc tế; Dịch vụ tài trợ thương mại, bảo lãnh; Số dư tài khoản thanh toán và giao dịch qua máy POS trên thẻ debit VPBiz… đều được tích điểm đổi quà.

Ngân hàng áp dụng hình thức linh hoạt ưu tiên điểm quy đổi tương ứng với loại hình giao dịch đang được khách hàng ưa chuộng nhất tại mỗi thời điểm. Chẳng hạn, vào thời điểm cuối năm khi dịch vụ chuyển tiền quốc tế có lưu lượng lớn hơn các thời điểm khác thì điểm quy đổi khi thực hiện giao dịch dạng này sẽ cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Danh sách quà tặng được ngân hàng đăng công khai trên website, vừa đảm bảo công khai thông tin, vừa kích thích khách hàng thực hiện các giao dịch. Số lượng và loại hình quà tặng được cập nhật liên tục, mang đến những lựa chọn thú vị cho khách hàng.

Việc đổi quà được thực hiện rất nhanh chóng và đơn giản, có thể nhận tại quầy hoặc tại nhà, lại có thể chủ động theo ý mình, không bị ngân hàng ép phải nhận loại quà tặng mà mình không có nhu cầu. Các sản phẩm khá thiết thực với doanh nghiệp như Laptop, máy ảnh, Bút Parker; Sổ da; Điện thoại; Máy tính bảng; Máy in; Máy fax; Máy Scan; Máy chiếu; UPS; voucher dịch vụ,…

Chương trình tích điểm được thực hiện tự động, cho tất cả các giao dịch hợp lệ thành công, đểm tích lũy không bao giờ hết hạn. Mỗi sự thay đổi đều sẽ được thông báo tới từng khách hàng qua email hoặc tin nhắn và thông báo công khai trên website ngân hàng.

Được biết, chương trình này VPBank khá hấp dẫn khách hàng, khiến lượng khách hàng mới tăng đáng kể mỗi khi danh sách quà tặng có món hấp dẫn và khiến khách hàng cũ “lưu luyến” chẳng nỡ rời.

Ngoài VPBank, nhiều ngân hàng cũng đang triển khai các chương trình tri ân và thu hút khách hàng khá rầm rộ, như Sacombank có chương trình “thêm bạn – thêm quà”; Techcombank có chương trình giới thiệu khách hàng “gửi thâm tình, nhận niềm vui” – cả hai ngân hàng đều có quà tặng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng được giới thiệu. Hay như Ngân hàng HDBank tặng mũ bảo hiểm trẻ em;  Ngân hàng ACB lại quyết định cho khách hàng lựa chọn số tài khoản đẹp…

Các chuyên gia tài chính nhận định, dù các ngân hàng rất nỗ lực trong việc đưa ra ngày càng nhiều hơn những sản phẩm và dịch vụ tài chính, nhưng cạnh tranh như vậy cũng là chưa đủ, mà các ngân hàng phải có chính sách chăm sóc sao cho tốt và độc đáo hơn. Đó chính là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hội nhập. Ngân hàng nào không bắt kịp xu thế chắc chắn sẽ bị bỏ rơi phía sau. Và cuộc cạnh tranh này càng gay gắt, càng khốc liệt thì người dùng lại càng có cơ hội được sử dụng các dịch vụ tốt hơn với chi phí rẻ hơn.