Cho chú vợ vay 11 tỷ mà không cần giấy tờ
Chiều 13/7, phiên xét xử vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát, luật sư bào chữa.
Trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế) cho biết, đối với khoản tiền hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp. Sau khi nhận, bị cáo sử dụng vào rất nhiều việc như mua đất, cho chú họ ở Thái Bình vay.
“Bị cáo mua một mảnh đất ở huyện Ba Vì, một mảnh đất ở huyện Hoài Đức và một mảnh đất ở Mũi Né (Bình Thuận) trị giá cả ba mảnh khoảng 20 tỷ đồng", Kiên khai.
Theo cựu Thư ký này, đến nay bị cáo đã bán hai mảnh đất tại Hoài Đức và Ba Vì để khắc phục hậu quả. Riêng mảnh đất tại Mũi Né (Bình Thuận) do đứng tên chung với bạn và đang bị bắt nên không thể giao dịch.
“Chú họ vay tiền tên là gì”, Viện kiểm sát hỏi. Bị cáo Kiên trả lời mình không nhớ tên, chỉ biết chú này tên Đông là chú rể bên đằng nhà vợ.
"Cho vay số tiền lớn như thế mà không nhớ tên chú có vô lý không", Viện kiểm sát nói và hỏi thêm: "Vay mượn giấy tờ gì không?"
Bị cáo Kiên ngập ngừng nói "Không có giấy tờ gì, bị cáo tin tưởng người thân nên chỉ chuyển khoản".
Trước câu trả lời của Kiên, Chủ tọa Vũ Quang Huy ngắt lời đôi bên và yêu cầu bị cáo cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc vay mượn này cho tòa.
Viện kiểm sát nói "bị cáo chưa thành khẩn"
Liên quan đến việc nhận hối lộ khi cấp phép các chuyến bay giải cứu, bị cáo Kiên cho hay, có một vài trường hợp có quen biết trước, còn lại chủ yếu là khi có phát sinh công việc liên quan đến tổ chức các chuyến bay thì các anh chị doanh nghiệp mới liên hệ để nhờ bị cáo giúp đỡ.
“Giúp đỡ thế nào?, HĐXX hỏi. Bị cáo Kiên trả lời, như nội dung bản cáo trạng đã thể hiện, ở đây bị cáo có hai lĩnh vực mà bị cáo nhận tiền của các doanh nghiệp. "Một là liên quan đến chuyến bay combo; hai là lĩnh vực liên quan đến số khách lẻ".
“Đối với chuyến bay combo, đúng như nội dung cáo trạng, bị cáo chỉ tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế Dự phòng và trình lãnh đạo Bộ ký duyệt. Sau khi lãnh đạo Bộ xét duyệt xong bị cáo trả hồ sơ để Văn phòng Bộ Y tế phát hành, hoặc chuyển cho Cục Y tế Dự phòng sửa chữa”, bị cáo Kiên khai.
Tự giải thích, Kiên cho rằng, nếu chỉ đơn giản việc nhận từ lãnh đạo Bộ cho tới Cục Y tế Dự phòng để đưa cho văn thư để phát hành, việc gì doanh nghiệp phải đến với bị cáo? Có lẽ các doanh nghiệp tin rằng bị cáo giúp được, hỗ trợ được các doanh nghiệp xử lý công việc một cách nhanh hơn nên các doanh nghiệp đến gặp bị cáo.
Vẫn theo lời khai của Kiên, liên quan đến các chuyến bay, Cục Y tế dự phòng là đơn vị được Bộ Y tế giao trực tiếp tham mưu, còn vì sao doanh nghiệp đến với mình, Kiên khai "bị cáo không rõ".
Khi Kiên vừa dứt lời, đại diện Viện kiểm sát nói: "Thôi, đấy là việc khai của bị cáo, chứng tỏ bị cáo cũng chưa thực sự thành khẩn và chưa nhận ra cái sai lầm của mình, nên bị cáo suy nghĩ lại về việc đó, bản thân mình làm như nào....Tất cả những người ở đây không có mâu thuẫn gì với bị cáo, thời điểm đó người ta rất muốn có chuyến bay với hai mục đích, thứ nhất là lợi nhuận, thứ hai là đưa công dân càng nhanh càng tốt về nước tránh dịch".
"Người Việt Nam mình sang nước ngoài chủ yếu là lao động, chủ yếu là du học sinh thì thu nhập không thể bằng nước sở tại được. Nước sở tại khi dịch bùng ra đương nhiên người ta ưu tiên công dân của người ta, còn công dân của mình thì làm sao có tiền để chi phí theo như mức thu nhập ở nước đó. Đó là lý do tại sao Nhà nước có những chuyến bay như vậy. Bị cáo làm trong Bộ Y tế mà lại có hành động như vậy thì rất đáng lên án, bị cáo phải suy nghĩ lại về hành động của mình, về nhận thức của mình”, đại diện Viện kiểm sát phân tích.