Cựu giang hồ ở chợ gỗ Phù Khê

TP - Ở làng Phù Khê Thượng - Bắc Ninh, người ta mua gỗ rất dễ dàng. Có lẽ trừ bọn "sưa tặc", ít ở đâu lại dùng cân để bán gỗ như ở Phù Khê. Vào được chợ, người lạ muốn chụp ảnh phải… đi gặp một cựu giang hồ.
Dùng cân để mua bán gỗ. Ảnh: Minh Đức.

Bán que củi, thu hàng chục triệu/tháng

Từ thông tin của những người bán sản phẩm mỹ nghệ giả cổ trên đường đê La Thành (Hà Nội), chúng tôi tìm về làng gỗ Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Vào chợ, chúng tôi mang máy ảnh theo để tác nghiệp nhưng bất thành. Hóa ra ở chợ gỗ Phù Khê Thượng có một nguyên tắc bất thành văn: Khách lạ phải thông qua trưởng thôn hoặc phải được trưởng thôn giới thiệu mới được vào chợ gỗ.

Chúng tôi phải đến gặp ông Nguyễn Thành Hưng, trưởng thôn Phù Khê Thượng. Tưởng mọi chuyện sẽ khó khăn, song ông trưởng thôn cười xòa tận tình dẫn chúng tôi đi khắp chợ, giới thiệu chi tiết từng loại gỗ, từng sản phẩm cụ thể. Tại chợ Phù Khê Thượng chủ yếu là gỗ trắc, gụ, hương, mun được nhập từ Lào, Campuchia…

Ông Nguyễn Thành Hưng, trưởng thôn Phù Khê Thượng.

Ông Hưng cho biết: Phù Khê Thượng là một làng nghề mộc truyền thống và kinh doanh các sản phẩm về gỗ đã tồn tại hàng chục năm.

Các gian hàng bày một đống que, củi, chẳng khúc gỗ nào ra tấm ra món. Nhưng đừng coi thường. Loại gỗ rẻ cũng phải vài chục nghìn đồng/cân, có thanh gỗ dài chừng 50cm, đường kính chừng 30cm sau khi cân xong, chủ gian hàng thu của khách tới 4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thành Hưng nói, những loại gỗ có vân đẹp được nghệ nhân rất ưa chuộng để làm đồ giả cổ. Trong trường hợp dùng để trùng tu phục dựng một chi tiết phù điêu hay tác phẩm cổ thì lại là vô giá.

Nguyên liệu gỗ sau khi qua bàn tay chế tác của nghệ nhân trong làng sẽ trở thành các tác phẩm mỹ nghệ hoặc đồ gia dụng. Điều này đã tạo nên giá trị kinh tế rất lớn cho sản phẩm.

Một bộ bàn ghế mộc, tùy loại gỗ có giá từ 50 - 500 triệu đồng. Một bức tượng phật Quan Âm cao khoảng 40cm bằng gỗ hoàng đàn giá khoảng 80 triệu đồng.

Các sản phẩm không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Đông Âu với tổng trị giá khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện cả xã Phù Khê có khoảng 2.000 hộ dân, trong đó 22 hộ thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về gỗ. Riêng thôn Phù Khê Thượng có khoảng 500 hộ làm nghề mộc.

Những năm trước, các hộ đều phải mua nguyên liệu từ ngoài xã. Họ bị tư thương ép giá gây khó khăn trong sản xuất.

Để làng nghề đi vào hoạt động quy củ, tháng 3-2012, người dân và chính quyền địa phương đã quy hoạch và xây dựng xong khu chợ gỗ trên diện tích 10.000m2. Khu chợ hiện có trên 200 gian hàng, diện tích bình quân 40m2/gian.

Các gian hàng bày một đống que, củi, chẳng khúc nào ra tấm ra món. Nhưng đừng coi thường! Loại gỗ rẻ cũng phải vài chục nghìn đồng/cân, có thanh gỗ dài chừng 50cm, đường kính chừng 30cm sau khi cân xong, chủ gian hàng thu của khách tới 4 triệu đồng.

Gỗ cân là “đặc sản” ở Phù Khê. Ảnh: Minh Đức.

Ông Nguyễn Thành Hưng nói, những loại gỗ có vân đẹp được nghệ nhân rất ưa chuộng để làm đồ giả cổ. Trong trường hợp dùng để trùng tu phục dựng một chi tiết phù điêu hay tác phẩm cổ thì càng cực kỳ đắt giá.

Anh Nguyễn Khắc Tiệp, Giám đốc Cty TNHH đồ gỗ Phù Khê cho biết: Trước đây trung bình gian hàng của anh mang lại lợi nhuận từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/tháng.

Thời gian gần đây do tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh cũng chỉ cầm hơi, có tháng lãi vài chục triệu, có tháng hòa vốn.

Anh Tiệp nói, từ khi ông Nguyễn Thành Hưng làm trưởng thôn Phù Khê Thượng, tình hình trật tự an ninh được đảm bảo.

Ông Hưng là người quyết đoán, rành rọt trong công việc, được bà con tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi chợ gỗ. Các gian hàng trả tiền trông coi cho ông Hưng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Gác kiếm giang hồ về làm trưởng thôn

Ông Hưng không không ngần ngại giãi bày quá khứ của mình: Nay đã 50 tuổi, song khi kết thúc một ngày, tôi vẫn suy ngẫm về quá khứ lầm lỗi của mình.

Thoải mái chọn gỗ.

Học lớp Trung cấp Sư phạm Bắc Ninh, nghèo khổ quá sinh cùng quẫn, Hưng tụ tập cả nhóm thanh niên trong và ngoài tỉnh bỏ học để đi trộm cắp.

Mở màn cho quãng đời lầm lỗi là vụ trộm tài sản của bà mẹ ông sĩ quan quân báo. Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mà không thu được kết quả, nhưng bằng nghiệp vụ, ông sĩ quan quân báo đã đưa Hưng vào diện nghi vấn.

Người sĩ quan gửi cho Hưng một lá thư hẹn gặp với lời khuyên đầu thú. Hai người đã có cuộc gặp gỡ, lời qua tiếng lại khiến Hưng khó chịu bỏ về.

Ba tuần sau, lúc nửa đêm, Hưng lại đột nhập căn nhà kín cổng cao tường của ông sĩ quan rồi khoắng một phần số tiền vàng trong tủ. Ông sĩ quan tiếp tục gửi thư cho Hưng.

Cứ nghĩ là que, củi, song chúng lại có giá trị lớn.

Hưng thản nhiên nhận thư và đến gặp. Nhưng ít ngày sau, Hưng tiếp tục quay lại ngôi nhà của vị sĩ quan để trộm. Vị sĩ quan quân báo không còn kiên nhẫn. Ít ngày sau, Hưng bị bắt, rồi bị xét xử và nhận mức án 3 năm tù, khi tuổi mới tròn 18.

Khi bước chân ra khỏi trại giam, Hưng lang bạt khắp nơi. Nghe tiếng đại ca “sổ lồng”, cánh đàn em kéo tới xin được thâu nạp làm đệ tử. Và lại tiếp tục khuấy động giới giang hồ, gây nên những vụ trộm cướp mới. Lần này, Hưng bóc lịch 10 năm.

Năm 1995, Hưng ra tù, tự giam mình trong nhà gần một năm, cho cái máu giang hồ nguội hẳn và “cũng phải cai trộm như người ta cai ma túy vậy”.

Đàn em nhiều lần tìm gặp nhưng ông Hưng một mực từ chối. Ông còn khuyên nhủ anh em phục thiện. Riêng ông Hưng sớm tối đục đẽo, kéo gỗ. Tạo dựng được lòng tin ở những người dân quê, năm 2004 ông Hưng được bầu làm trưởng thôn Phù Khê Thượng.

“Không có gì là muộn, nếu để hướng thiện” - ông Hưng kết thúc câu chuyện.

Theo Báo giấy