Cựu cán bộ công an và chị gái chiếm đoạt 19 tỷ đồng của ngân hàng

TPO - Một cựu cán bộ công an được chị gái nhờ đứng làm Chủ tịch HĐQT Công ty, sau đó ký nhiều hợp đồng vay vốn, rồi chiếm đoạt 19 tỷ đồng của ngân hàng.

Vụ án phát lộ từ lá đơn của ngân hàng

Viện KSND Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Đặng Tiến Dũng (SN 1972, nguyên Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Bị truy tố cùng tội còn có các thuộc cấp của ông Dũng là các bị can: Trần Trung Hiếu, Nguyễn Hải Long, Trần Việt Dũng, Phan Văn Ba, Ngô Hoàng Tuấn.

Trong khi đó, các bị can: Nguyễn Tường Anh, Giám đốc Công ty Hiếu Thảo; Nguyễn Tuấn Anh, cựu Giám đốc Công ty Getech Việt; Đỗ Hồng Quân, cổ đông Công ty Hiếu Thảo; Bùi Hồng Khanh, Giám đốc Công ty Nam Việt; Quan Văn Việt, Phó giám đốc Công ty Thái Dương; Vũ Việt Long, Giám đốc Công ty Thái Dương; Nguyễn Duy Tuân, Giám đốc Công ty Xuân Thủy; Phạm Thế Huynh, Giám đốc Công ty Bảo Châu và Hà Thị Thu Trang, kế toán Công ty Thái Dương bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ở nhóm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Viện kiểm sát truy tố các bị can: Đỗ Minh Thu, Phó giám đốc Công ty Khánh An; Đỗ Toàn Thắng, cựu cán bộ Phòng cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội.

Còn bị can Phạm Minh Hải và Nguyễn Ngọc Duy bị truy tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của Cơ quan, tổ chức".

Theo cáo buộc, ngày 3/11/2020, Ngân hàng nêu trên có đơn gửi Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đề nghị làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng đã tạo dựng hồ sơ vay để chiếm đoạt tiền của ngân hàng và hỗ trợ ngân hàng thu hồi tài sản cho Nhà nước liên quan đến nhiều khách hàng vay vốn, trong đó có Công ty Khánh An, Công ty Hiếu Thảo, Công ty Thái Dương và một số công ty, cá nhân khác…

Ảnh minh họa.

Thiệt hại gần trăm tỷ đồng

Trên cơ sở kết quả xác minh, cơ quan điều tra xác định nhóm bị cáo thuộc các doanh nghiệp trên có hành vi chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc có sự vi phạm quy định hoạt động ngân hàng của bị can Đặng Tiến Dũng và các thuộc cấp.

Theo đó, tại Công ty Khánh An, cơ quan truy tố xác định Đỗ Minh Thu là người sở hữu doanh nghiệp nhưng cho em trai là bị can Đỗ Toàn Thắng đứng tên Chủ tịch HĐQT. Giai đoạn 2016 – 2018, Thu chỉ đạo Thắng vay từ ngân hàng 15 khoản, tổng cộng hơn 54 tỷ đồng và 2,1 triệu USD để mua hàng hóa theo các hợp đồng kinh tế.

Trong 15 khoản vay, Viện kiểm sát cho rằng: có 3 khoản không tài sản đảm bảo; 11 khoản được đảm bảo bằng 11 mảnh đất và 1 khoản vay 838.000 USD (tương đương hơn 19 tỷ đồng) để mua tôn mạ màu từ nước ngoài được đảm bảo bằng chính số hàng này.

Công ty Khánh An mua số tôn mạ màu trên từ một doanh nghiệp ở Hồng Kông bằng tiền vay của ngân hàng và nếu bán, phải được ngân hàng đồng ý. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã bán số tôn, song không thông báo cũng không dùng tiền thu về để thanh toán khoản vay 838.000 USD, khiến ngân hàng bị thiệt hại.

Trong việc này, Viện kiểm sát cáo buộc, ông Đặng Tiến Dũng không kiểm soát, kiểm tra, để tài sản đảm bảo bị bán mà không biết.

Ngoài ra, bị can Đỗ Minh Thu còn dùng một sổ đỏ giả để thế chấp khoản vay tại ngân hàng, hạn mức hơn 5,4 tỷ đồng. Các thửa đất khác được Thu mang đi thế chấp tại ngân hàng này hiện tại cũng có tranh chấp, không thể phát mại để thu hồi nợ.

Tổng thiệt hại Công ty Khánh An gây ra cho ngân hàng đến nay là hơn 19 tỷ đồng, chưa tính một số hành vi liên quan được tách ra điều tra sau do hết thời hiệu.

Còn tại Công ty Hiếu Thảo, cơ quan truy tố quy kết nhóm bị can liên quan doanh nghiệp này dùng tài sản đảm bảo có tranh chấp hoặc không phải của mình để thế chấp, vay ngân hàng 20 tỷ đồng. Đến nay ngân hàng mới thu hồi hơn 5 tỷ đồng, còn hơn 14 tỷ đồng nợ gốc chưa được thanh toán.

Theo Viện kiểm sát, nhóm cán bộ ngân hàng nhận trong khoản vay của Công ty Hiếu Thảo, họ không thực hiện đầy đủ quy định; đề xuất giải ngân và giải ngân quá hạn mức, dẫn tới vướng nợ xấu.

Với Công ty Thái Dương, bị can Bùi Hồng Khanh là Giám đốc đã chỉ đạo cấp dưới ký 6 hợp đồng tín dụng với ngân hàng trong năm 2017 để thanh toán tiền mua hàng hóa. Tổng giá trị các khoản vay của doanh nghiệp này lên tới 72,6 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo.

Đến khi ngân hàng đơn tố giác tội phạm, doanh nghiệp mới trả hơn 6,7 tỷ, còn dư nợ xấu gần 66 tỷ đồng.

Bị can Đặng Tiến Dũng tiếp tục bị cáo buộc biết Công ty Thái Dương không đủ điều kiện vay tín chấp nhưng vẫn phê duyệt vượt thẩm quyền với 6 khoản vay, sau đó không kiểm tra, giám sát quá trình doanh nghiệp sử dụng vốn vay.

Viện kiểm sát kết luận, trong vụ án, ông Dũng cho 3 doanh nghiệp vay sai quy định hơn 98,1 tỷ đồng, hiện còn thiệt hại 94,6 tỷ đồng.

Đến nay, bị can Đặng Tiến Dũng tự nguyện nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.