Cứu các ngành học truyền thống thế nào?

TP - Nhiều ngành học rất cần cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhưng gần đây mất sức hút đối với thí sinh. Làm thế nào để nâng chuẩn đầu vào đối với những ngành này?
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để củng cố, phát triển việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Ảnh: Như Ý

Ghi nhận qua đợt 1 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho thấy điểm chuẩn các ngành nông-lâm, cơ khí kỹ thuật, các ngành khoa học cơ bản chỉ ở mức trung bình. Cụ thể, điểm chuẩn các ngành Thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, Đóng tàu và công trình ngoài khơi, Xây dựng công trình thủy, Công trình giao thông và cơ sở hạ tầng, Kiến trúc và nội thất, Kỹ thuật công nghệ hóa học của Trường ĐH Hàng hải chỉ 14 điểm/tổ hợp.

Năm 2020, có đến 14/46 chuyên ngành của trường này lấy 14 điểm. Các ngành này cũng thuộc nhóm lấy điểm chuẩn thấp nhất toàn quốc với mỗi môn chưa đủ 5 điểm. Điểm chuẩn của Trường ĐH Mỏ-Địa chất một số ngành cũng chỉ ở mức 15 điểm/tổ hợp 3 môn, gồm ngành Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Địa kỹ thuật xây dựng... Năm ngoái, những ngành học này điểm chuẩn cũng ở nhóm thấp. Năm nay, các ngành có điểm chuẩn thấp nhất của Trường ĐH Xây dựng (16 điểm) gồm có Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật vật liệu, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật cơ khí... Các ngành của Trường ĐH Lâm nghiệp đều ở mức 15 điểm/tổ hợp.

Thống kê của Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT về kết quả tuyển sinh năm 2020 cho thấy, có 5 nhóm ngành là Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và Bảo vệ môi trường có số lượng thí sinh nhập học thấp, với tỷ lệ tương ứng là 41,43%, 43,91%, 49,98%, 54,43% và 65,28%. Năm 2019, những ngành này cũng thuộc nhóm có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, muốn tuyển sinh tốt, cơ sở giáo dục ĐH phải có các đột phá và sáng tạo. GS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng, nhiều ngành đào tạo tên không “nóng” nhưng cho thu nhập cao không được thí sinh biết đến do các em chưa được hướng nghiệp đầy đủ, mông lung về định hướng nghề nghiệp.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, nói: “Trước đây, kỹ sư cơ khí học rất nặng về các môn học kỹ thuật, nhưng ngày nay đòi hỏi thiết kế chương trình tích hợp và dạy một số môn học khác như quản lý dự án, kinh doanh, kinh tế kỹ thuật... và những kỹ năng công nghệ thì mới mong thị trường tiếp nhận để tuyển dụng”. Theo ông Vinh, khá nhiều giảng viên còn hạn chế kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp của ngành, không thiết kế được các bài tập tình huống, nên sinh viên thường tiếp cận thực tế nghề nghiệp chậm.

Trước vấn đề đặt ra về sự mất cân đối nguồn nhân lực trong đào tạo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có dự báo nhu cầu ở tầm vĩ mô, ông Vinh nói rằng, chỉ có thể dự báo khá chính xác trong ngắn hạn, còn trong trung hạn và dài hạn rất khó khăn.

Vì thế, giáo dục ĐH cần dạy cho sinh viên biết cách tư duy xác định và giải quyết vấn đề để sau ra trường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh với nghề nghiệp. Trong trung hạn và dài hạn, các trường rất cần chú ý những định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, xu thế thị trường nhân lực toàn cầu để có thể đổi mới, cập nhật chương trình.

Với Trường ĐH Lâm nghiệp, GS Chứ nêu quan điểm của nhà trường là phải tập trung mọi nguồn lực xúc tiến tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, miền núi. Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được Bộ NN&PTNT cũng như nhà trường đề ra, bao gồm triển khai giải pháp đào tạo theo cơ chế đặt hàng (dự kiến được áp dụng từ năm 2022).