Anh Lĩnh kể, lúc mới trở về quê, anh rất trăn trở do không biết làm nghề gì để phụ giúp gia đình. Tình cờ một lần đọc báo thấy mô hình nuôi dông chi phí thấp, lại cho thu nhập cao, anh quyết định tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và dấn thân theo nghề này.
Sau một thời gian “tầm sư” ở các tỉnh miền Trung, anh trở về đổ cát san lấp khu đất bỏ trống khoảng 500 m2 phía sau nhà làm chuồng. Không có vốn, anh mượn cha mẹ được 20 triệu đồng rồi một mình đón xe ra Bình Thuận mua 50 kg dông con về thả nuôi.
Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, mô hình chăn nuôi khá mới mẻ này mang về cho anh trên 100 triệu đồng từ bán dông con và bán dông thịt. Thừa thắng xông lên, đến nay đàn dông của anh Lĩnh đã phát triển với số lượng lên đến hàng ngàn con.
Theo anh Lĩnh, vùng đất Bạc Liêu quanh năm mát mẻ, khô thoáng rất thích hợp để nuôi dông vì ngày nào dông cũng có thể sưởi ấm và kiếm ăn được. Nguồn thức ăn chủ yếu của dông là rau muống, rau lang, cà chua và các loại côn trùng (bướm, sâu non, giun đất...). Ngoài ra, còn cho dông ăn thêm cám gạo, cám hỗn hợp và các loại đậu.
Nuôi dông không tốn nhiều công chăm sóc, kỹ thuật xây chuồng trại lại đơn giản, chỉ cần xây tường hoặc tận dụng tôn, thiếc dựng kín xung quanh. Các tấm chắn này phải đủ cao để dông không trèo ra, đồng thời cắm sâu xuống cát 1 m để dông không đào hang ra ngoài. Xung quanh khu vực nuôi nên tận dụng trồng nhiều loại rau màu để dông tự tìm thức ăn, đồng thời tạo bóng mát cho dông trú ngụ.
Dông sinh trưởng nhanh, mau lớn và rất ít bị dịch bệnh. Chỉ cần đề phòng mèo, chuột và rắn vào chuồng hại dông. Tỷ lệ sống của dông khá cao, đạt từ 90 - 95%. Nuôi từ 8 - 10 tháng thì có thể thu hoạch hoặc để sinh sản. Thời gian mang thai của dông là 10 ngày và đẻ nhiều lứa một năm, mỗi lần đẻ từ 6 - 8 trứng, 45 ngày sau trứng nở ra dông con. Dông lớn nhanh vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8. Đến năm kế tiếp, đàn dông con trưởng thành và lại tiếp tục sinh sản.
Anh Lĩnh cho biết, thấy mô hình lạ, dễ nuôi, nhiều nông dân trong vùng và các đoàn khách từ các địa phương khác đã tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, nguồn dông giống tiêu thụ rất mạnh. Hiện dông giống anh bán ra thị trường là 20.000 đồng/con. Còn thịt dông tươi sống được các nhà hàng, quán ăn ở khắp các tỉnh miền Tây ưa chuộng, hiện có giá 350.000 đồng/kg (bình quân mỗi con dông thương phẩm nặng khoảng 400 - 500 gr).
Anh Lĩnh khẳng định luôn sẵn sàng phổ biến kinh nghiệm cho những nông dân muốn nuôi dông; đồng thời đang dự tính tìm hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu ra nước ngoài, khi dông được nhiều người nuôi và mô hình được phát triển mạnh.
Theo Trần Thanh Phong