Ngày 7/5, tổ công tác hơn 30 người gồm lãnh đạo UBND xã Minh Phú, công an huyện Sóc Sơn, Đội quản lý đô thị huyện… tiến hành cưỡng chế các công trình vi phạm tại thôn Lâm Trường và thôn Thanh Sơn. Đến thời điểm này, đã có 5 công trình bị tháo dỡ, 15 công trình còn lại sẽ được phá dỡ từ nay đến ngày 13/5. Trong danh sách 20 hộ dân bị cưỡng chế, đa số là những khu nghỉ dưỡng quy mô. Trong đó có hộ ông Ngô Văn Cam, chủ sở hữu khu du lịch Thiên Phú Lâm rộng gần 60.000m2 với tổng 21 công trình vi phạm phải xử lý.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại các công trình đã bị tháo dỡ, một số bị phá dỡ hoàn toàn nhưng cũng có những công trình chỉ bị phá dỡ một phần nhỏ. Như gần Vườn Quả Villa, một biệt thự chỉ bị phá dỡ mái tôn, một phần diện tích tầng 2. Dưới tầng 1 và ngoài sân, một nhóm các bạn trẻ vẫn đang tụ tập ăn uống. Cạnh đó, 1 quần thể nghỉ dưỡng khác với 7 biệt thự lớn nhỏ, chính quyền đã phá dỡ 1 biệt thự trong số đó. Vật liệu xây dựng vẫn chất đống tại hiện trường. Tuy nhiên, ở các biệt thự còn lại vẫn có người sinh hoạt bình thường…
Ngoài các công trình trong diện cưỡng chế đợt này, những công trình khác vẫn “án binh bất động”. Đặc biệt là 2 công trình được dư luận hết sức quan tâm là nhà của ca sĩ Mỹ Linh hay Việt phủ Thành Chương.
Ngay chính những người dân bị cưỡng chế đợt này cũng đã có Đơn khiếu nại tập thể về Kết luận thanh tra số 1085/KL-TTLN-P3 ban hành ngày 14/3/2019 cho rằng: Kết luận thanh tra này không đầy đủ, không xem xét các yếu tố lịch sử. Trong đó, người dân bất bình về việc xử lý vi phạm theo kiểu “xôi đỗ”. Cưỡng chế công trình này, nhưng công trình bên cạnh thì không bị xử lý.
Đơn khiếu nại khẳng định: Sai phạm của UBND huyện Sóc Sơn được chỉ ra trong kết luận thanh tra thể hiện là chậm công khai quy hoạch rừng, chưa hoàn thành cắm mốc rừng, chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, một số điểm bị mất mốc giới, không đúng chỉ giới, nên không có căn cứ xác định diện tích đất nằm trong hay ngoài chỉ giới quy hoạch rừng… là lỗi của cơ quan quản lý, không thể để người dân gánh chịu.
Cần giám sát chặt chẽ việc cưỡng chế
Dự kiến, chi phí cưỡng chế chỉ tính riêng cho 2 xã Minh Phú, Minh Trí đã lên đến gần 10 tỷ đồng. Trong đó, xã Minh Phú chi khoảng 1,6 tỷ đồng (20 công trình); xã Minh Trí chi khoảng 7,6 tỷ đồng (22 công trình). Chưa kể cần huy động 1 lực lượng hùng hậu cho việc cưỡng chế. Tuy nhiên, việc cưỡng chế kiểu “nửa vời” như ghi nhận của PV khiến dư luận đặt câu hỏi về sự lãng phí.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết, 20 công trình vi phạm toàn bộ là những công trình xây mới trong thời điểm 2 năm trở lại đây. Những công trình từ 2017 trở về trước sẽ được lập hồ sơ xử lý sau. Xã đang thực hiện đúng theo kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội.
Trong Kết luận này, Thanh tra thành phố chỉ kiến nghị “tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017 - 2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu”.
Ông Hân cũng không cho phép cơ quan báo chí chụp ảnh, quay phim tại khu vực cưỡng chế. “Khi nào làm xong hoàn toàn tôi sẽ thông tin sau”, Chủ tịch xã Minh Phú nói.
Theo kết luận của thanh tra thành phố, hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng Sóc Sơn có gần 800 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp.