Dua mới chỉ gia nhập Lữ đoàn Khansaa, lực lượng "cảnh sát đạo đức" gồm toàn nữ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Raqqa, được hai tháng, khi những người quen của cô bị đưa tới đồn để phạt bằng đòn roi.
Hai người phụ nữ bị lôi vào, gồm một bà mẹ và con gái tuổi vị thành niên, chính là những người Dua biết từ thuở nhỏ. Cả hai đều hoảng sợ. Họ bị bắt vì chiếc Abayas (áo choàng màu đen) họ mặc bị xem là quá bó sát người.
Khi thấy Dua, người mẹ vội chạy tới và cầu xin cô can thiệp. Căn phòng trở nên ngột ngạt trong lúc Dua đắn đo xem phải làm gì. "Abaya của họ thực sự rất bó sát. Tôi nói với bà ấy rằng đó là lỗi của họ; họ đã bước ra đường với trang phục không đúng", Dua chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, sau khi đã đào tẩu khỏi IS. "Họ rất bất mãn về việc đó".
Dua ngồi nhìn trong khi những người khác đưa hai người phụ nữ vào căn phòng phía sau để phạt roi. Khi lột mạng chùm mặt, những người này còn bị phát hiện đã trang điểm. Theo luật Sharia, những người này bị đánh 20 roi vì trang phục không đúng, 5 roi vì trang điểm, và thêm 5 roi khi không phục tùng lúc bị bắt.
Tiếng la khóc của hai người phụ nữ bắt đầu vang lên còn Dua chỉ biết nhìn lên trần nhà, cổ họng nghẹn đứng.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Dua gia nhập Lữ đoàn Khansaa tại quê nhà Raqqa, thành trì của IS tại Syria, các quy tắc đạo đức ngày một hà khắc hơn đã được áp đặt. Quy định bắt buộc về abayas hay niqab (mạng che mặt) là khá mới mẻ với nhiều phụ nữ Syria trong những tuần đầu Raqqa bị IS chiếm đóng.
Ban đầu lữ đoàn này được đề nghị cho cộng đồng thích nghi dần, và chỉ phạt tiền nhẹ đối với vi phạm về trang phục. Tuy nhiên sau khi ngày một nhiều người trẻ tuổi nhiều lần vi phạm, nộp phạt mà không thay đổi cách ứng xử, cách tiếp cận mềm mỏng đã bị thay thế bởi đòn roi.
Người mẹ và cô con gái sau khi bị phạt đã tới nhà của bố mẹ Dua, bày tỏ sự giận dữ với cô cũng như IS. Vậy là mối quan hệ thân tình bao năm chấm dứt. "Sau ngày đó, họ ghét tôi. Họ không bao giờ tới chơi nhà tôi nữa", Dua chia sẻ.
Người chị họ của Dua có tên Aws cũng làm việc cho lữ đoàn này. Dua gia nhập Lữ đoàn Khansaa khoảng tháng 2/2014, cùng khoảng thời gian với Aws, và bắt đầu tham gia huấn luyện quân sự và học tập tín ngưỡng cùng nhau. Từ đó họ nhận ra sự đàn áp mà lữ đoàn này thực hiện.
Một đại diện của IS rao giảng trước thanh niên tại Tal Abyad, đông bắc Syria. Ảnh: AP
Hạnh phúc ngắn ngủi
Dua và Aws đã quyết định gắn cuộc đời mình, thông qua công việc và kết hôn, với IS. Tuy nhiên, không ai trong số họ đi theo tư tưởng cực đoan, và thậm chí sau khi đã đào tẩu, họ vẫn không thể lý giải vì sao mình đã thay đổi từ những phụ nữ trẻ, hiện đại thành những cảnh sát đạo đức cho IS.
Tại thời điểm đó, lựa chọn của họ xem ra có vẻ đúng, bởi việc kết hôn với các chiến binh IS giúp đời sống của họ và gia đình dễ chịu hơn. Gia nhập Lữ đoàn Khansaa giúp họ tự do đi lại và có thu nhập trong một thành phố mà phụ nữ bị tước mọi quyền tự quyết.
Nhưng sự nhượng bộ đó nhanh chóng trở thành nỗi khiếp đảm. Cả hai bị đẩy vào thế đối đầu với những người láng giềng khi là thành viên lực lượng cảnh sát đạo đức. Chỉ trong vòng vài tháng, họ trở thành phụ nữ góa bụa và bị ép phải kết hôn với một người lạ khác do IS chọn trong thời gian ngắn. Thân phận họ không khác những nô lệ tạm thời, phục vụ cho những chiến binh nước ngoài chỉ quan tâm tới bạo lực.
Aws kết hôn với một chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ xa lạ, có tên Abu Muhammad do IS giới thiệu. Sau đám cưới, Aws ngạc nhiên khi giữa mình và Abu thật sự có cảm giác yêu thương. Nhưng chồng cô không mấy khi ở nhà vào buổi tối và đôi khi lại bặt tăm tích 3-4 ngày liền, để chiến đấu cho IS.
Không thích cảm giác cô đơn, Aws tìm cách kết bạn với vợ các chiến binh khác. Từ đó, cô nhận ra dù sao mình còn may mắn, khi một số người đã phải kết hôn với những người chồng bạo lực, lạm dụng họ.
Mọi người đều biết đến Fatima, một cô gái tự sát bằng cách rạch cổ tay, sau khi phải kết hôn với một chiến binh IS. Một cô gái người Tunisia gần đó thì luôn khóc òa mỗi khi ai đó nhắc tới tên chồng mình. Và Aws còn thấy may mắn hơn những phụ nữ thiểu số Yazidi, bị bắt về làm nô lệ tình dục cho các chiến binh khác.
Sau thời gian dài chung sống, chồng của Aws vẫn không muốn có con dù cô hối thúc. Khi bị gặng hỏi, Abu Muhammad cho biết các chỉ huy khuyên các chiến binh tránh có con, bởi các ông bố sẽ ít sẵn lòng tự nguyện thực hiện các nhiệm vụ tự sát hơn. "Ban đầu tôi thường nêu vấn đề với anh ấy, nhưng nó thực sự khiến anh ấy buồn. Do đó tôi không đề cập nữa", Aws chia sẻ.
Còn với gia đình Dua, tiền luôn là vấn đề. Do vậy, khi một chiến binh Saudi hỏi cưới Dua tháng 2/2014, cha cô đã ép cô chấp nhận. Chiến binh này đến từ một gia đình ngành xây dựng giàu có tại Riyadh, Arab Saudi, và hứa sẽ khiến Dua đổi đời. Ngày họ gặp nhau lần đầu cũng là ngày cưới, và chú rể mang theo vàng cho gia đình Dua.
Chồng của Dua có ngoại hình ưa nhìn và khá hài hước. Họ sống trong một căn hộ rộng với nhiều thiết bị gia dụng châu Âu và điều hòa gắn ở các phòng - những thứ hiếm thấy ở Raqqa. Hàng ngày, người giúp việc đi mua sắm cho họ. "Anh ấy thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi", Dua nói. "Anh ấy đã thuyết phục tôi yêu anh ấy."
Hai chị em gia nhập lữ đoàn "cảnh sát đạo đức" của IS ít lâu sau kết hôn. Khoảng 50 phụ nữ cùng nhau học một khóa sử dụng vũ khí trong 15 ngày. Họ học được cách làm vệ sinh, nạp đạn, và bắn súng ngắn. Nhưng phụ nữ nước ngoài đến Syria để gia nhập IS được đồn là còn được huấn luyện dùng súng trường Kalashnikov.
Phụ nữ nước ngoài được IS cho nhiều ưu ái, như được tự do đi lại hơn, hưởng phụ cấp nhiều hơn. "Họ được chiều chuộng", Aws nói. "Ngay cả những người ít tuổi hơn chúng tôi cũng có nhiều quyền lực hơn".
"Chúng tôi chả thể lên tiếng về điều này", Aws nói. "Chúng tôi thậm chí không thể hỏi tại sao".
Bi kịch
Nhưng bi kịch bắt đầu rơi xuống với Dua và Aws khi chồng họ chết trong lúc chiến đấu cho IS.
Một ngày tháng 7/2014, chồng của Dua, Abu Soheil, không trở về suốt ba đêm. Sang ngày thứ 4, một nhóm chiến binh IS gõ cửa nhà cô. Họ nói rằng chồng cô đã đánh bom tự sát trong trận chiến với quân đội Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Dua suy sụp, nhất là khi tên chỉ huy nói Soheil đã đề nghị được thực hiện nhiệm vụ tự sát này, điều cô chưa từng được chia sẻ. Nhưng vài ngày sau, cô được biết đến một sự thật còn đau đớn hơn. Abu Soheil đã đánh bom liều chết không phải khi giao chiến với quân đội Syria, mà là với một phiến quân đối địch với IS. "Tôi đã khóc nhiều ngày. Anh ấy chết khi chiến đấu với những người Hồi giáo khác".
Chỉ 10 ngày sau, một người đàn ông cùng đơn vị của chồng Dua đến nhà. Anh ta nói rằng cô không thể ở vậy một mình, và cần tái hôn ngay lập tức.
Một lần nữa, IS đã bóp méo luật Hồi giáo. Bởi theo những cách diễn giải được chấp nhận rộng rãi trong luật Hồi giáo, một phụ nữ phải đợi ba tháng trước khi tái hôn, chủ yếu để xác định cha cho bất kỳ đứa trẻ nào người phụ nữ đó có thể đã mang thai.
"Tôi nói với anh ta rằng tôi vẫn không thể ngừng khóc", Dua nói. "Tôi nói 'tim tôi tan nát. Tôi muốn đợi hết ba tháng'". Nhưng tên chỉ huy nói cô khác với các góa phụ bình thường. "Cô không nên than khóc và buồn", tên này nói. "Cậu ta đã tự xin tử vì đạo, và cô là vợ của một người tử vì đạo. Cô nên vui mừng".
Đó là thời điểm khiến Dua suy sụp. IS biến cô trở thành một phụ nữ góa bụa, và giờ lại muốn lặp lại việc đó. Không hề có lựa chọn, phẩm giá nào, chỉ có sự tuân lệnh theo đòi hỏi của IS. Cô biết mình phải bỏ trốn.
Tin buồn đến với Aws cũng không lâu sau Dua. Chồng Aws, Abu Muhammad, cũng thực hiện nhiệm vụ tự sát. Không hề có đám tang nào, không có ai để chia sẻ. Chỉ mình Aws đau đớn.
Nhưng Aws không có thời gian để bình tâm trước khi IS tới gõ cửa. "Họ nói với tôi rằng chồng tôi giờ là người tử vì đạo, rõ ràng anh ta không cần có vợ nữa. Nhưng vẫn còn những chiến binh khác cần. Họ nói rằng người chiến binh này từng là bạn của chồng tôi, và muốn bảo vệ và chăm sóc tôi thay cho anh ấy".
Aws miễn cưỡng đồng ý, dù vẫn còn một tháng nữa mới hết giai đoạn ba tháng chịu tang. Nhưng mọi chuyện không hề êm đẹp với người chồng mới, một người Ai Cập thậm chí còn ít về nhà hơn Abu Muhammad. Và khi tên này bỏ trốn hai tháng sau đó cùng tiền lương, không thèm tạm biệt, Aws thành phụ nữ bị bỏ rơi, thậm chí còn không được coi là góa phụ.
Bế tắc, hai người phụ nữ đã bỏ trốn khỏi Raqqa, Dua đi trước và Aws đi 4 tháng sau. Họ đến một thị trấn nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai đang học tiếng Anh và tiếng Thổ, với hy vọng có tương lai tốt hơn.
"Ai biết được khi nào chiến tranh sẽ dừng? Thậm chí nếu một ngày tình hình tại đó ổn định thì tôi cũng sẽ không bao giờ quay về Raqqa", Aws nói. "Quá nhiều máu đã đổ. Tôi không nói chỉ về IS, mà nói về tất cả mọi người".