Khi có dịp đến với vùng đất Altai ở Mông Cổ, nhiếp ảnh gia Massimo Rumi kịp ghi lại cuộc sống của những người gìn giữ nghề truyền thống huấn luyện đại bàng suốt 4000 năm qua.
Hàng năm, trên vùng cao nguyên đều tổ chức lễ hội Golden Eagle (ngày hội chim đại bàng mào vàng). Đây là dịp khoảng 70 thợ săn chuyên nghiệp có dịp quy tụ và so tài. Nhiếp ảnh gia đến từ Sydney (Úc) tận dụng cơ hội để ghi lại những trải nghiệm về cuộc sống du mục của người dân Kazakh.
Lễ hội Golden Eagle được bắt đầu bằng những màn biểu diễn của thợ săn cùng phụ kiện họ mang theo người. Thợ săn thường khoác trên mình trang phục truyền thống. Thông thường sẽ là những chiếc áo khoác lông thú từ các loài vật như sóc, cáo hay sói, được chính những con đại bàng bắt được. Lễ hội còn là cuộc so tài thể hiện kỹ năng săn mồi điệu nghệ của những “sát thủ” chuyên nghiệp.
Việc săn bắt đại bàng trong thế giới hiện đại đang ngày một thu hẹp dần. Nhưng người Kazakh sống ở Mông Cổ vẫn gìn giữ bảo tồn truyền thống. Thợ săn có thể đi săn bằng súng trường. Tuy nhiên, họ vẫn lựa chọn đại bàng để thay thế bởi đây là hình thức nghệ thuật và cống hiến cao nhất.
Sống sót trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa đông có thể đóng băng ở mức -40 độ C là những thách thức lớn. Tuy vậy, người Kazakh có kỹ năng sinh tồn mạnh mẽ để bám trụ lại trong điều kiện khắc nghiệt này nhiều thế kỷ qua.
Massimo nói: “Người Kazakhs ở núi Altai thuộc miền tây Mông Cổ là những người duy nhất hiện nay săn đại bàng mào vàng”. Truyền thống đi săn được cho là bắt đầu từ những người Khitans du mục từ Mãn Châu thuộc miền Bắc Trung Quốc vào khoảng năm 940 sau Công Nguyên.
Trong quá trình huấn luyện đại bàng, người thợ săn phải đối xử tôn trọng và dịu dàng với “những chú chim khổng lồ”. Nó có thể bay đi và mãi mãi không bao giờ trở lại. Sau nhiều năm ở bên chủ nhân, những chú đại bàng sẽ được thả về tự nhiên.