Những người lạ mặt xuất hiện sau 0h
Ông Phạm Thành Hên (62 tuổi, ngụ phường 11, quận 3, TPHCM) vẫn không thể quên buổi tối cách đây nhiều năm.
Ông kể, khi thành phố chìm vào giấc ngủ, vài người bịt kín mặt, chạy xe không biển số đến bãi đất trống sau trạm gác chắn tuyến đường sắt Trần Văn Đang (quận 3, TPHCM). Họ thẳng tay vứt những bịch rác lớn tại đây.
Tiếng ồn và mùi hôi buộc vài cư dân sống trên khu vực phải lên tiếng. Thế nhưng, đổi lại là sự hung hăng của những người lén đổ rác. Một số người dân sau đó đã không dám thể hiện vì sợ trả thù.
Sự việc kéo dài hơn 5 năm qua gây mất mỹ quan cho bộ mặt đô thị, ngành đường sắt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng nghìn người dân quanh ngã tư Trần Văn Đang - Đỗ Thị Lời (quận 3, TPHCM).
Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đã tổ chức lễ ký kết ra mắt mô hình "Hành lang đường sắt an toàn, sạch, xanh và thân thiện môi trường". Trong đó, công ty phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" bằng cách trồng hoa tại các khu ga, hai bên đường sắt tại TPHCM.
"Đường tàu - Đường hoa" nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của hàng chục tỉnh thành, nơi có đoàn tàu đi qua. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng dự kiến trong 3 năm tới sẽ hoàn thành đường hoa dọc Bắc - Nam, mỗi tỉnh sẽ có loài hoa đặc trưng riêng.
Đã có nhiều ý kiến mong muốn nâng cao cảnh quan tuyến đường sắt TPHCM trước khi làm đẹp.
Tuyến đường sắt này nhiều năm qua vẫn tồn tại tình trạng người dân tự ý mở lối đi, trồng rau, check-in trong khu vực không an toàn, đặc biệt là tập kết rác thải dọc hành lang tuyến đường sắt ở khu vực Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), ngã tư Trần Văn Đang - Đỗ Thị Lời (quận 3, TPHCM)... gây mất mỹ quan, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và sự an toàn.
Một ngày trung tuần tháng 4, có mặt tại trạm gác chắn đường Trần Văn Đang, phóng viên ghi nhận tình trạng rác chất đống, tấm biển "cấm đổ rác" bị đốt cháy một phần, nhiều nệm, gối, giày dép… nằm ngổn ngang dưới đường ray tàu.
Theo người dân sống ở khu vực, đống rác tự phát đã hình thành từ lâu, trở thành bức xúc chung của toàn bộ cư dân. "Vì đống rác nằm trong địa phận của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn nên chúng tôi không có quyền quyết định", bà Lan (60 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) nói.
Lâu dần, đống rác tự phát tiếp tục là nơi sản sinh ruồi, muỗi, chuột, gián và bốc mùi vào những ngày nắng nóng. Cứ cách 5 -10 ngày, bà Lan cùng hàng xóm sẽ phun thuốc khử trùng một lần, đổ tất cả "ao tù nước đọng" nhằm hạn chế tối đa sự sản sinh của nguồn gây bệnh, đồng thời lên tiếng nếu phát hiện hành vi đổ rác không đúng nơi quy định.
Thế nhưng, những người lạ mặt vẫn xuất hiện vào khung giờ muộn, sau 0h, khiến bà con không canh giữ nổi.
"Rác ở đây nhiều nguồn lắm: dân chợ, dân quán, công trường xây dựng, khách tàu vứt xuống… và cả những người đến đổ đống vì không muốn mất thêm chi phí", bà Lan chia sẻ.
Về vấn đề vệ sinh môi trường trên tuyến đường sắt Sài Gòn, một nữ nhân viên làm việc tại gác chắn cũng than: "Người dân đổ rác, tập kết rác thành bãi, cho thú nuôi phóng uế. Tôi đi tuần đường ray thì không thấy ai vứt gì, nhưng không có mặt thì rác lại xuất hiện. Nhân viên gác chắn tàu cũng phải phụ trách dọn vệ sinh để giữ gìn".
Cán bộ và người dân nỗ lực ngăn chặn
Suốt 2 năm tham gia công tác quản lý, bà Nguyễn Hoàng Oanh (Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận 3, TPHCM) cho biết, đều đặn 3 tháng, vào những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, bà sẽ tổ chức cho phường ra quân dọn rác một lần. Tổng số thành viên 100 người bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố, thanh niên tình nguyện, người dân và cán bộ, nhân viên ngành đường sắt… phải dọn liên tục suốt một ngày. Dọn xong, phường liên hệ xe ép rác để vận chuyển, xử lý rác thải với chi phí hơn 5 triệu đồng.
Thế nhưng, 3- 5 tháng sau, đâu lại vào đấy. Bà Oanh thừa nhận việc phường tự bỏ tiền túi ra xử lý chỉ là cách đối phó, còn muốn lâu dài thì cần truy tìm và triệt tiêu ngay từ gốc.
Sau đó, UBND phường 11 đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn hỗ trợ lắp đặt hai chiếc camera và đèn chiếu sáng được lắp đặt ngay tại gác chắn. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND phường 11 cũng chia sẻ bà con hỗ trợ chụp lại hình ảnh, biển số xe của những người lén đổ rác để công an truy tìm qua hệ thống an ninh.
"Ban đầu camera hoạt động hiệu quả khi giảm thiểu ít nhiều người đổ rác và ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng tiêm chích ma túy. Nhưng thời gian sau, người đi đổ rác trộm chọn khung giờ khuya hơn. Họ chạy xe để bên ở ngoài, đeo khẩu trang, đội nón khiến trích xuất camera cũng không thể tìm", bà Oanh nói.
Đầu năm 2023, bà Oanh tiếp tục kiến nghị lên Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn hỗ trợ trồng cây xanh trên khoảng đất trống. Thậm chí, nếu cây cao ảnh hưởng đến an toàn đường sắt, phường sẵn sàng xây dựng công trình công cộng, trồng cây sát mặt đất và vẽ tranh cổ động… nhằm chấm dứt hoàn toàn nạn tự phát đổ rác.
Tháng 4, nghe thông tin TPHCM phát động đề án xây dựng "Đường sắt - đường hoa", bà Oanh tỏ ra phấn khởi. Bởi đó là ước mơ của vị Phó Chủ tịch UBND và người dân từ lâu. "Việc này vừa ngăn chặn tình trạng đổ rác tự phát, vừa nâng cao cảnh quan đô thị nên rất là tốt", bà Oanh nói.
Sau 3 năm đấu tranh, đến nay tình trạng đổ rác trên tuyến đường sắt vẫn còn nhưng đã giảm bớt rất nhiều. Vài đám cỏ xanh đã mọc lên từ đống rác cũ, đó là niềm vui lớn của người dân nơi đây. Bởi với mọi người, "cỏ mọc tới đâu nghĩa là người ta hạn chế đổ rác ở đó".
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cuoc-chien-voi-nhung-nguoi-la-mat-sau-0h-tren-tuyen-duong-sat-tphcm-20230416174313787.htm?