Ít thấy giảng viên đại học nào lại sáng tác khỏe như Phạm Sinh. Trong 3 năm qua, đều đặn mỗi năm, ông mở một triển lãm cá nhân trong dự án “Đối thoại cuộc hành trình”. Mà như Phạm Sinh chia sẻ, thì đó mới chỉ là con số ít những tác phẩm ông vẽ được sau những giờ đứng lớp.
Nếu như triển lãm đầu tiên năm 2018, tranh của Phạm Sinh có cái nhìn xa xăm, ẩn hiện như không gian thiên hà thì bước sang triển lãm năm 2019 lại có cái nhìn gần về hệ mặt trời với những hành tinh quen thuộc như sao hôm, sao mai, vầng trăng và cả những thiên thạch. Đến triển lãm lần này, tranh ông lại có cái nhìn gần hơn nữa về trái đất với khung cảnh thiên nhiên và đời sống con người. Đó là khí quyển vần vũ, là ngọn gió hoang vu, là mảnh vườn mùa xuân và cả những ký ức khó quên trong cuộc sống. Càng về sau, cái nhìn của Phạm Sinh trong tranh lại càng triết lý hơn.
Không còn là những thiên thạch xa xăm, cuộc sống đương đại với ông là ngọn gió hoang vu trong bức tranh “Luồng gió nghiêng”, là cái nắng rát bỏng trong bức tranh “Vào hạ”, miền nước ngập miên man trong bức tranh “Miền Trung” và cả những ký ức không quên trên chặng đường bươn chải khắc nghiệt nhưng cũng không kém phần lãng mạn của nghệ sĩ trong bức tranh “Cuộc đua vô định”. “Triển lãm lần này là sự kế tục 2 cuộc trước, mở rộng và đi sâu hơn vào nội tâm. Tất cả khung cảnh hay con người trong tranh đều ẩn chứa giá trị nhằm mang lại cho người xem những năng lượng tích cực trong cuộc sống”, hoạ sĩ Phạm Sinh chia sẻ.
Có mặt tại triển lãm “Đối thoại cuộc hành trình lần 3”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng thông qua các tác phẩm của mình, “Phạm Sinh đang muốn soi cuộc sống, soi thế giới vật chất này bằng một kính hiển vi có sức phóng đại lớn”.
Nhà điêu khắc, họa sĩ Phạm Sinh sinh năm 1960 tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Người ta biết đến Phạm Sinh qua các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm chuyên ngành điêu khắc với các giải thưởng cao. Phạm Sinh đã thực hiện nhiều công trình điêu khắc ứng dụng lớn như tượng đài binh chủng đặc công (bảo tàng Đặc công), tượng đài Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh năm 2006, tượng đài biểu tượng du lịch Trà Cổ Bình Ngọc Móng Cái, tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt tại phố Hiến, Hưng Yên...
Từ năm 2017, Phạm Sinh chính thức vẽ theo bút pháp trừu tượng. Ông cho hay, nếu vẽ hiện thực, tranh ông sẽ đắt khách hơn vì dễ cảm nhận và đại chúng hơn. Tuy nhiên, ông để bút vẽ trôi theo cảm xúc mà chỉ thể loại trừu tượng mới giúp ông thổ lộ. “Tôi mong người xem sẽ bước qua định kiến về tranh trừu tượng, là khó xem và khó cảm nhận, để cùng hòa vào cảm xúc của tác giả”, Phạm Sinh bộc bạch.
Triển lãm nghệ thuật “Đối thoại cuộc hành trình” kéo dài đến hết ngày 16/7, tại Nhà Triển lãm Hội Mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội).