Mất hàng tỷ đồng mới có chỗ trong CCNLN
Trong đơn gửi đến Tiền Phong, các hộ dân ở làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) cho hay, tháng 8/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt xây dựng CCNLN Mẫn Xá với diện tích 26,5 ha nhằm thu hút các hộ sản xuất tái chế nhôm, giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm. CCNLN do Cty cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư.
Ông Mẫn Văn Tuân, Phó trưởng thôn Mẫn Xá cho biết, khi họp dân để thực hiện chủ trương thu hồi đất xây dựng CCNLN, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần Tập đoàn Hanaka hứa, sau khi nhận đền bù theo giá nhà nước (158,4 triệu đồng/sào, tức 440 nghìn đồng/m2), người dân sẽ được ưu tiên cho thuê lại với giá là 4 triệu đồng/m2, thời hạn 50 năm.
Nhưng lời hứa đó không thành hiện thực. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, giá thuê đất hiện nay đã lên đến 15-16 triệu đồng/m2.
Theo ông Tuân, sau khi giá thuê đất tại CCNLN được nâng cao lên nhiều lần, với tư cách là đại biểu HĐND xã Văn Môn, tại các kỳ họp HĐND ông đều nêu ý kiến, yêu cầu được xem toàn bộ những giấy tờ liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng CCNLN và biên bản họp dân… Nhưng cuối cùng ông chỉ nhận được câu trả lời từ các cơ quan chức năng là… không tìm thấy.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, CCNLN là dự án rất nhiều ý nghĩa xã hội. Nếu coi đó là dự án bất động sản để làm thương mại, kiếm lời là hoàn toàn sai mục tiêu. Việc kiểm soát giá, kiểm soát đối tượng được thuê đất trong CCNLN là vấn đề rất hệ trọng, cần sớm thực hiện.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, trong đợt sửa đổi Nghị định 68/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp sắp tới, cần bổ sung ngay quy định về kiểm soát giá, kiểm soát đối tượng được thuê đất trong CCNLN.
Sỹ Lực
Anh C, một người dân thôn Mẫn Xá (đề nghị giấu tên cho hay), để thuê được đất ở CCNLN, anh phải trả hơn 3,1 tỷ đồng. Trong đó, anh được hướng dẫn chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng, số tiền còn lại “trao tay” cho người khác mà không có giấy tờ biên nhận.
Không thể xác định giá trị giao dịch thật?
Trả lời báo chí mới đây, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần Tập đoàn Hanaka cho hay, Cty này không hứa cho thuê 4 triệu đồng/m2 mà chỉ khái toán, ước lượng ban đầu như vậy nếu việc giải phóng mặt bằng xong trong một năm. Tuy nhiên, do thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, phải trả lãi vay nên Hanaka tăng giá cho thuê.
Đối chiếu với Nghị định 68/2017 (về quản lý, phát triển cụm công nghiệp), chủ đầu tư CCNLN như Hanaka có quyền quyết định giá cho thuê.
Tuy nhiên, việc xác định giá cho thuê thực tế so với hợp đồng là điều không dễ. Ông Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho hay, ông cũng nghe người dân phản ánh Hanaka cho thuê giá cao, ghi trong hợp đồng một giá, thu tiền một giá. UBND xã đề nghị cung cấp chứng cứ, người dân lại không cung cấp. Hanaka cũng nói rằng họ chỉ thu đúng giá như hợp đồng.
Ông Gia cho rằng, việc xác định người dân hay Hanaka có giao dịch hai giá, có trốn thuế hay không phải có cơ quan công an vào cuộc điều tra.
CCNLN Mẫn Xá có khoảng 400 lô để cho người dân thuê nhưng hiện tại, có chưa đến 100 lô đã xây dựng nhà xưởng; còn trống 300 lô. Ông Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho hay, trong cuộc làm việc mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải yêu cầu Tập đoàn Hanaka cho người dân thuê đất, có các giải pháp giảm giá; tuy nhiên, ngay tại cuộc họp ông Mẫn Ngọc Anh cho hay Hanaka không còn hàng để bán.
Sở Công Thương Bắc Ninh 3 tháng không phản hồi thông tin
Liên quan đến công tác quản lý CCNLN Mẫn Xá và các CCNLN Bắc Ninh, báo Tiền Phong đặt câu hỏi phỏng vấn Sở Công Thương Bắc Ninh (cơ quan chủ trì quản lý CCNLN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) nhưng cơ quan này yêu cầu có công văn. Ngày 23/5, báo Tiền Phong có công văn phỏng vấn. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 tháng, cơ quan này vẫn nại lý do về tôn chỉ mục đích của báo để từ chối trả lời. Trong khi, CCNLN là vấn đề rất hệ trọng, tác động đến việc mưu sinh, lập nghiệp của đông đảo thanh niên - đối tượng phục vụ chính của báo Tiền Phong.