Sáng 16/9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 - 19/9/2019).
Treo biển công khai “không nhận quà biếu”
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Thành phố Hà Nội). Là người ham học, có tri thức uyên bác, năm 1906 Cụ Bùi Bằng Đoàn (khi đó mới 17 tuổi) đã đỗ Cử nhân. Sau đó, Cụ được nhận vào học và tốt nghiệp Thủ khoa Trường Hậu Bổ.
Trong diễn văn do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày tại Lễ kỷ niệm đã ôn lại những công lao, cống hiến, nhất là tấm gương thanh liêm, đức độ của cụ Bùi Bằng Đoàn. Khi làm quan trong triều đình Huế, từ Tri huyện ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đến Án sát tỉnh Lạng Sơn; Án sát tỉnh Bắc Ninh; Bố chính tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình... Ngay trên công đường, Cụ cho treo Bảng thông báo công khai "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Điều này thể hiện rõ phẩm chất đạo đức “liêm”, “chính” của một bậc danh Nho chân chính.
Đối với nhân dân, cụ Bùi Bằng Đoàn có mối quan hệ tình sâu, nghĩa nặng, bất luận trong hoàn cảnh nào, Cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), Cụ là người đã đề xuất và tổ chức đắp con đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu. Ghi nhận công đức to lớn của Cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tế sống vị “Phụ mẫu chi dân” ngay tại nơi Cụ về nhậm chức và làm việc.
Hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân
Sau Cách mạng Tháng Tám, với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ.
Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng. Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Cụ đã trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ mà Hồ Chí Minh đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14/11/1945.
Để bộ máy chính quyền nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 - SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt là tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt, trong đó Cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban để bảo đảm sự lãnh đạo thực hiện của cơ quan có chức năng, quyền hạn rất lớn trong Chính phủ.
Tuy thời gian hoạt động không dài, nhưng Ban Thanh tra Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Cụ Bùi Bằng Đoàn đã triển khai và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, mang lại uy tín cho Đảng, Chính phủ, sự tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền cách mạng.
Vào tháng 1/1946, Cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm ĐBQH của tỉnh Hà Đông. Sau đó, Cụ đã được QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực QH, thay Cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận nhiêm vụ mới.
Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực QH - người đứng đầu cơ quan lập pháp, với sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà QH giao phó.
Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu…
Ngày 13/4/1955, Trưởng ban Thường trực QH Bùi Bằng Đoàn đã từ trần. Cụ đi xa, nhưng tấm gương yêu nước, thương dân, tận tụy với công việc và sự liêm khiết, chính trực của Cụ cùng với những cống hiến to lớn mà Cụ đã để lại cho QH, cho Chính phủ, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta sẽ mãi được khắc ghi.
Tấm gương tiêu biểu “không màng danh lợi, phú quý”
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực QH Bùi Bằng Đoàn là dịp để tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của Cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam.
“Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của Cụ là tấm gương sáng để các ĐBQH, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, noi gương cụ Bùi Bằng Đoàn, trong mọi hoạt động và trên từng cương vị công tác, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân và của Đảng lên trên hết; tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
“Noi gương Cụ, chúng ta nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng tiên liệt vì sự trường tồn, phát triển của quốc gia và dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.