Ngày 25/11, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đang tiếp tục điều tra vụ Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam mua bán trái phép dữ liệu của hơn 150 nghìn người.
Qua điều tra ban đầu, Công an tỉnh Quảng Nam xác định phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trong hoạt động mua, bán, sử dụng trái phép thông tin khách hàng. Các đối tượng đã chủ động tìm, mua thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm kín hoặc thông tin bị lộ lọt từ các tổ chức tài chính, sau đó tiến hành sàng lọc chia theo nhóm tuổi, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của khách hàng để bán thông tin thu lợi bất chính.
Trước đó, thực hiện kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 21/11 Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra hành chính các công ty có biểu hiện nghi vấn hoạt động sử dụng trái phép thông tin cơ quan, tổ chức cá nhân.
Qua kiểm tra Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (tầng 4 toà nhà Panko Plaza thuộc phường An Phú, TP Tam Kỳ), công an phát hiện nhân viên công ty này ngoài hoạt động phát triển cho vay cá nhân còn có hành vi mua bán dữ liệu cá nhân của khoảng 150.000 người Việt Nam.
Cơ quan công an đã mời 76 đối tượng về trụ sở đấu tranh, làm rõ; tạm giữ tang vật gồm 9 máy tính để bàn, 8 máy tính xách tay; 3 Ipad; 108 điện thoại di động và hơn 5.000 trang tài liệu trích xuất có liên quan.
Tại Công ty Luật TNHH MTV LEGAL A PLUS (Số 280 Nguyễn Văn Trỗi, phường An Phú), công an phát hiện Vũ Ngọc Hiếu (SN1996; trú tại phường An Mỹ, TP Tam Kỳ) là nhân viên thu hồi nợ của công ty, đã sử dụng hình ảnh của nhiều cá nhân (không xin phép chủ sở hữu) và biên tập, lồng nội dung vu khống, không đúng sự thật nhằm khủng bố, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người trên phạm vi toàn quốc.
Công an đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp về hành vi “Vu khống” đối với Hiếu. Ngoài ra, công an còn phát hiện 3 đối tượng có hành vi đánh bạc qua không gian mạng.
Lực lượng chức năng cũng đã mời 21 đối tượng về trụ sở đấu tranh, làm rõ; thu giữ tang vật gồm 32 máy tính để bàn, 4 điện thoại di động và hơn 100 trang dữ liệu trích xuất có liên quan đến các hành vi vi phạm.
Về hoạt động thu hồi nợ, các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc thông tin quan hệ đảm bảo được người vay tiền kê khai tại hợp đồng vay vốn của các tổ chức tài chính để tìm kiếm hình ảnh, thông tin người thân, bạn bè, đồng nghiệp… của người vay tiền. Sau đó, tiến hành cắt ghép, lồng các nội dung dung tục, sai sự thật gửi đến điện thoại cá nhân, tài khoản Zalo, Facebook… hoặc công khai trên các trang mạng xã hội để khủng bố, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người vay tiền và người có mối liên hệ với người vay tiền, tạo áp lực buộc người vay trả tiền.