Anh Trần Văn Quyết, đại diện cán bộ và công nhân đòi quyền lợi cho biết, ngày 6/8, Lãnh đạo Cty cổ phần Cầu 12 tiến hành đối thoại lần 2 với hơn 200 cán bộ và công nhân. Tham gia buổi đối thoại lần này còn có đại diện Công đoàn của Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1) cùng các cơ quan chức năng có liên quan của quận Long Biên (Hà Nội).
Tại buổi đối thoại, Ban lãnh đạo Cty cổ phần Cầu 12 vẫn giữ nguyên phương án xử lý nợ lương và bảo hiểm xã hội. Theo đó, công ty trả trước 1 tháng lương cho cán bộ, công nhân và chốt sổ BHXH đối với người lao động nghỉ hưu, thai sản và chuyển đi nơi khác làm việc.
Tuy nhiên, người lao động vẫn không đồng tình với phương án giải quyết trên. Cán bộ, công nhân đề nghị Lãnh đạo Cty cổ phần Cầu 12 phải trả toàn bộ tiền lương và đóng 30 tháng bảo hiểm cho người lao động trong thời gian cụ thể và sớm nhất. Người lao động cũng yêu cầu Lãnh đạo công ty làm rõ gần 10 tỷ đồng tiền bảo hiểm công nhân đã đóng, nhưng công ty chưa nộp lên cơ quan BHXH. “Chúng tôi đã kiến nghị việc nợ lương và BHXH đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Sở Lao động Thương binh và xã hội Hà Nội. Đồng thời, người lao động cũng tiến hành các thủ tục để khởi kiện vụ việc trên lên tòa án”, anh Quyết chia sẻ.
Cũng theo anh Quyết, trong buổi đối thoại, một lãnh đạo thời kỳ trước của Cty cổ phần Cầu 12 thông tin đến người lao động rằng, các cổ đông lớn vay khoảng 300 tỷ tiền vốn của công ty này. Tuy nhiên, đến nay, các cổ đông lớn vẫn chưa trả số tiền nợ trên, dù quá thời hạn cam kết. Sự việc này có dấu hiệu chiếm dụng tiền vốn của Cty cổ phần Cầu 12.
Không chỉ Cầu 12, tình trạng nợ lương, bảo hiểm xảy ra tại nhiều công ty con/liên kết với Cienco1. Như Tiền Phong phản ánh trong bài "Công nhân vạ vật nhiều ngày ở doanh nghiệp liên quan đến Út 'trọc' đòi lương" ngày 9/6, công nhân của
Xí nghiệp Cầu 17 (gọi tắt là Cầu 17) - đơn vị chủ lực của Cienco 1 chăng băng rôn trước trụ sở Cienco 1 trên đường Đê La Thành (Ba Đình - Hà Nội). Các băng rôn ghi: “Yêu cầu Xí nghiệp cầu 17 – Cienco 1 hãy trả cho chúng tôi 5 tháng lương và 24 tháng BHXH”, “Chúng tôi – người lao động thi công dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư – Dalim – Cầu 17 thanh toán tiền nhân công”. Ngoài chăng băng rôn, 108 công nhân cùng ký đơn kêu cứu đến Cienco 1 và các cơ quan chức năng.
Bức tranh của Cienco 1 hậu cổ phần hóa hiện hết sức bi đát. Từ một doanh nghiệp hàng đầu của Bộ GTVT, là Anh Hùng lực lượng vũ trang, 10 huân chương độc lập, 5 cá nhân Anh hùng lao động, thi công các công trình trọng yếu của đất nước, hiện Cienco 1 tụt dốc thảm hại. Năm 2018, giá trị sản lượng đặt ra 2.100 tỷ nhưng Cienco 1 thực hiện được 974,5 tỷ, đạt 46,3%. Toàn bộ các tháng trong năm 2018 đều không đạt kế hoạch, tháng thấp nhất đạt 28,1%.
Sự xuống dốc của Cienco 1 liên quan không ít đến ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc, bị xử tù 12 năm vào tháng 7/2018 do sai phạm tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thái Sơn). Theo đó, ngày 21/3/2014, Cienco1 bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Đến cuối năm 2014, Bộ GTVT quyết định thoái toàn bộ vốn nhà nước. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh – doanh nghiệp của bà Vũ Thị Hoan đã có công văn chào mua công khai 12,6 triệu cổ phần, tương đương 18% vốn Cienco1.
Trước đó, doanh nghiệp này đã “gom” được 17,58% cổ phần Cienco1 và đưa Công ty Yên Khánh trở thành cổ đông lớn nhất của Cienco1 với tỷ lệ sở hữu 35,58%. ( bà Hoan là cháu gái ông Đinh Ngọc Hệ bị khởi tố để điều tra các sai phạm tại Công ty Yên Khánh Hải Thành vào tháng 11/2018).
Theo báo cáo cuối tháng 12/2018, bốn công ty Yên Khánh, Cty cp thương mại nước giải khát Khánh An, Cty cổ phần đầu tư Cái Mép và Cty cổ phần An Hiền là những cổ đông lớn nhất của Cienco 1 với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lần lượt là 28,576%, 19,21%, 16,8% và 24,59% (Tổng nhóm cổ đông này chiếm hơn 90% vốn, hiện do ông Đinh Ngọc Vượng (một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, ông Vượng chính là anh ruột của ông Đinh Ngọc Hệ).
Ông Cấn Hồng Lai, hiện là Bí thư đảng ủy Cienco 1, nguyên là Tổng giám đốc Cienco 1 thời kỳ doanh nghiệp nhà nước cho hay, cho biết, Tổng công ty có liên quan đến ông Út nhưng bản thân ông cũng không biết cụ thể. “Cổ đông thay đổi liên tục. Việc liên quan đến ông Út ra sao, cơ quan điều tra đang làm rõ. Tình trạng Cienco1 hiện rất khó khăn; nhiều tài sản, tài khoản bị phong tỏa, dự án mới rất khó tìm kiếm. Nhìn tình cảm anh em công nhân và tổng công ty hiện nay tôi rất đau lòng” – ông Lai nói.
Với Cầu 12, hiện nay cơ quan công an đang yêu cầu Cty cổ phần Cầu 12 cung cấp hồ sơ, tài liệu về cổ phần hóa và quá trình liên doanh, ký kết và thực hiện hợp đồng, công nợ giữa Cty cổ phần Cầu 12 với các công ty: Cty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Cty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Cty cổ phần Cái Mép, Cty CP Thương mại nước giải khát Khánh An, Cty xăng dầu Thái Sơn.... Đây là những cái tên liên quan đến Út trọc như đề cập ở trên.
Trước đó, Tiền Phong đăng tải tuyến bài về vấn đề trên ở Cty cổ phần Cầu 12. Cụ thể, ngày 2/8, báo đăng bài “Đơn vị thuộc doanh nghiệp ba lần phong Anh hùng nợ 30 tỷ tiền lương và bảo hiểm”. Ngày 9/8, tiền Phong tiếp tục đăng bài “Vì sao doanh nghiệp ba lần phong Anh hùng nợ lương và bảo hiểm bê bết”. Bài viết lý giải phần nào về việc nợ lương và bảo hiểm của Cty cổ phần Cầu 12. Theo đó, nguyên nhân ít nhiều liên quan đến việc Cty cổ phần Thương mai nước giải khát Khánh An và Cty cổ phần đầu tư Cái Mép vay nợ hàng trăm tỷ đồng tiền vốn của Cty cổ phần Cầu 12, nhưng đến nay 2 công ty trên chưa thanh toán khoản nợ đó. Việc này dẫn đến Cty cổ phần Cầu 12 thiếu vốn đầu tư hoạt động sản xuất, tụt dốc thê thảm.