PGS-TS Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng đã trăn trở, nghĩ cách đưa điện về điểm trường Đạ Mpô, thuộc xã vùng sâu Liêng Srônh (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), giúp việc dạy, học, sinh hoạt của thầy cô giáo và học sinh nơi này được nâng cao.
Liêng Srônh là xã đặc biệt khó khăn nằm ở phía tây, cách trung tâm huyện huyện Đam Rông 35 km và tiếp giáp hai tỉnh Đăk Lăk, Đắk Nông. Xã có 406 hộ với 2.111 khẩu, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Địa hình là đồi núi, giao thông đi lại rất khó khăn. Nơi đây hoàn toàn không có điện
Sau khi cân nhắc ưu, nhược điểm của các giải pháp đưa điện đến Đạ Mpô, PGS-TS.Thám nhận thấy phương án khả thi nhất hiện vẫn là điện mặt trời. Đây là một giải pháp công nghệ mới, với các ưu điểm là hệ thống gọn nhẹ, tính ổn định cao, vận hành đơn giản, không tốn các chi phí về nguyên liệu, giá thành hợp lý, tiết kiệm trong chi phí hàng ngày và đáp ứng được nh u cầu sử dụng thực tế của đội ngũ giáo viên hiện tại.
Từ những phân tích trên, PGS-TS Lê Xuân Thám bàn với lãnh đạo Sở và giao cho Chi đoàn thanh niên cơ quan lập dự án xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời và thiết kế hệ thống nước sinh hoạt cho điểm trường Đạ Mpô, phân hiệu của trường tiểu học Đa Rsal.
Dự án được giao cho kỹ sư Nguyễn Hồng Ngọc, Bí thư Đoàn thanh niên Sở KH&CN Lâm Đồng cùng nhóm kỹ sư trẻ trực tiếp đứng ra triển khai. Các kỹ sư về tận nơi khảo sát và thu thập thông tin về số giờ, cường độ nắng, thu thập số liệu về hiệu năng sử dụng của hệ thống điện năng lượng theo 2 mùa mưa, nắng. Đồng thời tính toán vị trí lắp đặt hệ thống pin cũng như các vị trí đèn chiếu sáng, vị trí đặt hệ thống nước sinh hoạt.
Sau khi tổng hợp thông tin, báo cáo, xử lý, phân tích số liệu, đề xuất, lựa chọn vị trí đủ điều kiện lắp đặt hệ thống. Nhóm khảo sát nhận thấy, trước mắt hệ thống điện cần đáp ứng cho nhu cầu sử dụng gồm 4 bóng đèn loại chữ U tiết kiệm điện, 1 máy tính xách tay, 1 tivi. Để tiết kiệm điện, Mặc dù kinh phí eo hẹp nhưng cần đầu tư luôn.
Khảo sát xong, nhóm tiến hành mua sắm thiết bị, gồm 8 panen, 8 bình điện cùng phụ kiện chở xuống cơ sở. Ô tô chỉ đến xã, từ xã về trường 12 cây số phải đi xe máy. Đường đất lầy lội, trơn trượt qua hai lần đò và băng qua suối bằng một cây gỗ tròn rất nguy hiểm. Một người chở, một người ngồi ôm hàng, phải huy động 8 chuyến xe máy mới chở xong.
Điện mặt trời bừng sáng giữa buôn sâu
Sau 5 tháng ròng vất vả, hệ thống điện năng lượng mặt trời 500Wp đã hoàn thành. Khi ánh điện được bật lên, các cô trò của trường cũng như phụ huynh vui mừng phấn khởi. Giữa vùng sâu tít tắp, những ngọn đèn điện tỏa sáng lung linh. Tivi, máy tính cũng xuất hiện, giúp mở mang kiến thức.
Sau một năm hoạt động ổn định, Sở KH&CN tiếp tục mở rộng quy mô dự án và đầu tư thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời gồm 12 panen pin mặt trời và 12 bình ắc quy tích điện, tổng công suất 1.74 kW, có khả năng cấp điện cho 100 bóng đèn compact. Kinh phí đầu tư đợt đầu 120 triệu, trong đó gồm cả kinh phí để xây dựng, lắp đặt hệ thống dẫn và lọc nước từ ngọn đồi cách xa 550m về, đợt 2 là 170 triệu đồng.
Ngày 19/11 vừa qua, chúng tôi đến Đạ Mpô nghiệm thu dự án. Xuất phát từ TP.Đà Lạt lúc sáng sớm. Đường đến Liêng Srônh đầy những…ổ voi, xe nhảy chồm chồm. Đi trên 130 km mới tới xã Dar San. Xe tiếp tục đi vào đường đất qua một chiếc cầu nhỏ sang địa phận Đắk Nông. Anh Hồng cán bộ kiểm tra dự án cho biết, đo đường quá xấu nên phải đi vòng qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông mới đến được điểm trường. Khi còn cách điểm trường Đạ Mpô khoảng 10 km nữa, xe không thể đi được vì chỉ có đường mòn qua nương rẫy, rừng lồ ô. Chúng tôi phải nhờ đến 12 xe máy của cán bộ, giáo viên của trường đưa vào.
Đường cực xấu, mưa thì lầy lội, trơn trượt. Khi nắng lên, những chỗ lún giờ thành khe sâu, chỗ lồi trở thành sống trâu rất khó đi. Khi qua sông phải dùng bè lồ ô và điều khiển bè nhờ vào dây cáp chăng qua sông. Chúng tôi chia nhau từng tốp bốn người qua một lần, đến chỗ nước xoáy bè bị cuốn tưởng như không níu nổi dây cáp. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã đến được điểm trường Đạ Mpô.
Chắt chiu từng ánh điện
Cả 5 phòng học ở Đạ Mpô đều được thắp sáng bằng đèn LED tròn, mỗi phòng 10 bóng. Kỹ sư Ngọc giải thích phải dùng bóng đèn LED để tiết kiệm điện. Với độ sáng như nhau, đèn compact tiêu thụ 18W trong khi đèn LED chỉ 7W và độ bền 15-20 năm gấp 10 lần đèn Compact. Anh cũng cho biết, nhờ có một doanh nghiệp hỗ trợ 50% giá bóng đèn nên các phòng học mới có loại bóng đèn này.
Tại buổi nghiêm thu, các thầy cô và đại biểu rất phấn khởi. Đồng bào dân tộc quanh vùng tin tưởng gửi con em đến trường đông hơn. “Ngoài việc phục vụ dạy và học, ánh sáng điện còn biến nơi đây thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa cho đồng bào”- PGS, TS Lê Xuân Thám nói.