Cõng đá lên núi, dựng bia tri ân đồng đội

TP - Trên điểm cao heo hút, khí hậu khắc nghiệt, nước không, điện không, một điểm cao gần 50 năm chỉ có một màu cháy của cỏ cây, nhưng những người lính dám mang ba lô, nằm lại nhiều ngày để vận chuyển từng lít nước, hạt cát, viên sỏi dựng bia tri ân đồng đội.

Một thời máu lửa

Những kỷ vật chiến tranh được trưng bày ở văn phòng làm việc của doanh nhân Lê Mạnh Hải

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có dịp được gặp ông Lê Mạnh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Phú Nguyên Hải. Bước chân vào phòng làm việc của ông, điều làm chúng tôi ấn tượng là mọi ngóc ngách đều được trưng bày những kỷ vật chiến tranh. Đó là chiếc võng, balô, những bức ảnh chụp cùng đồng đội. Ông bảo: “Cô nên viết về đồng đội cũ của tôi. Những người lính già lưng còng tóc bạc vẫn cõng đá lên núi dựng bia tưởng nhớ tri ân đồng đội ấy. Tôi cũng chỉ là một người lính bình thường như bao người khác”.

Là hậu duệ trong một gia đình có bề dày lịch sử nghề kim hoàn gần một trăm năm ở thành phố Vinh, Nghệ An, Lê Mạnh Hải thường được mọi người gọi bằng cái tên “Hải Phú Nguyên”. Hiện, Lê Mạnh Hải không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông còn là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 tại Nghệ An-Hà Tĩnh.

Gần một năm ròng rã xây dựng, giữa tháng 5/2018, ông cùng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng và cán bộ chiến sĩ sư đoàn 320 cũng đã hoàn thành công trình Nhà bia di tích lịch sử tại hai điểm cao với diện tích xây dựng gần 300m2. Hiện nay, điểm cao 1015 (Charlie) và điểm cao 1049 (Delta) đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và chọn ngày 21/4 hàng năm là ngày lễ hội (giỗ trận) để cán bộ và nhân dân trên mọi miền đất nước đến đây dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Được tôi rèn trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, chàng thanh niên Lê Mạnh Hải luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một người trẻ trước vận mệnh của Tổ quốc. Năm 1971, chàng thanh niên chưa tròn 20 tuổi hăng hái tòng quân nhập ngũ. Cuối năm 1971, có mặt ở mặt trận B3 Tây Nguyên, vinh dự là người lính của Đại Đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 - quân chủ lực.

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, Lê Mạnh Hải tham gia đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, theo mũi tấn công của Sư đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu và đánh thẳng vào dinh Độc lập, cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đất nước vừa thống nhất, ông tham gia chiến dịch đánh lực lượng FULRO tại Đắk Lắk; chiến dịch D7 đánh lực lượng Pôn - Pốt lấn chiếm biên giới Tây Ninh khu vực Tân Biên.

Tri ân đồng đội

Đi qua sinh tử chiến tranh, có cuộc sống vinh quang ở thời bình, nhưng những ký ức về đồng đội vẫn luôn là niềm đau đáu trong tâm tưởng chiến binh Lê Mạnh Hải. Bởi thế, ngoài công việc kinh doanh, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết trong các hoạt động giúp đỡ, tri ân đồng đội.Tiêu biểu là công trình Nhà bia di tích lịch sử tại hai điểm cao 1015 (Charlie) và điểm cao 1049 (Delta) tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.Với khí chất và tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, ngay sau khi lên kế hoạch chi tiết, Lê Mạnh Hải cùng đồng đội và ban liên lạc Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh bắt tay vào thực hiện ngay.

Khảo sát chọn xong địa điểm, 28 cựu binh Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh đã đến dựng lều, cõng đá, thi công nhà bia tại Điểm cao 1015 và 1049. Mặc dù thời điểm bắt đầu xây dựng, sức khỏe ông có dấu hiệu không tốt, bác sĩ khuyên nên nhập viện điều trị. Gác lại những lời cảnh báo, giấu bệnh với cả gia đình, ông quyết tâm cùng đồng đội hoàn thành tâm nguyện. “Có những người mặc dù đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng khi nói đến chủ trương của ban liên lạc xây dựng 2 nhà bia sẵn sàng xung phong, viết tâm thư đi bằng được. Trong lúc đó, nhiều tổ chức, đơn vị thi công thời điểm đó lên khảo sát địa bàn tất cả đều quay về. Trên điểm cao heo hút, khí hậu khắc nghiệt, nước không, điện không, đời sống sinh hoạt thiếu thốn, nhưng những người lính dám mang ba lô, nằm lại nhiều ngày để vận chuyển từng lít nước, hạt cát, viên sỏi, thanh thép để xây dựng nhà bia là chuyện không hề đơn giản”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải tâm sự.