Vì sao các nguyên nhân khác được loại trừ?

Công bố kết luận sập cầu Cần Thơ

TP - Cuối cùng, nguyên nhân sự cố được Ủy ban điều tra xác định là do lún lệch trong một đài móng trụ tạm (trụ T13U). Theo đó, móng trụ tạm ở thượng lưu T13U được đánh giá là yếu nhất.
Ảnh Sáu Nghệ

Kết luận của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ (Ủy ban điều tra) vừa được công bố chiều qua, 2/7.

Theo kết luận của Ủy ban điều tra thì “việc xảy ra lún lệch trong phạm vi hẹp của một đài móng trụ tạm, nguyên nhân chính khởi nguồn gây ra sự mất an toàn kết cấu trong trường hợp này, có thể xem là tình huống rủi ro, khó lường trước trong thiết kế thông thường”.

“Phác họa” lại diễn biến sự cố theo tính toán

Kết luận nêu trên, theo Chủ tịch Ủy ban điều tra, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, được rút ra từ báo cáo cuối cùng về kết quả điều tra nguyên nhân sự cố dày gần 100 trang và kèm theo 10 phụ lục dày trên 1.000 trang tài liệu tính toán, bảng biểu mà Ủy ban này đã thực hiện khảo sát, thu thập chứng cứ và điều tra, phân tích khoa học trong hơn 8 tháng.

Cuối cùng, nguyên nhân sự cố được Ủy ban điều tra xác định là do lún lệch trong một đài móng trụ tạm (trụ T13U). Theo đó, móng trụ tạm ở thượng lưu T13U được đánh giá là yếu nhất, Ủy ban điều tra đã tiến hành khoan khảo sát để xác định độ lún lệch trong đài móng trụ tạm này, và phát hiện có sự biến đổi lớn về địa chất ở hai phía đối diện của đài móng.

Kết luận của Ủy ban điều tra

Lún lệch của đài móng trụ tạm thượng lưu T13U theo hướng dọc cầu từ phía bờ ra phía sông là nguyên nhân chính, nguyên nhân khởi nguồn của sự cố.

Lún lệch đài móng đã làm tăng nội lực trong các bộ phận của trụ tạm gây đứt bu lông liên kết của một số thanh giằng xiên dẫn tới các thanh đứng của trụ tạm này bị mất ổn định và theo đó là sự sập đổ các kết cấu bên trên trụ tạm.

Cụ thể hàng cọc gần phía trụ chính P14 có mũi cọc tựa trên lớp cát xốp; còn hàng cọc gần phía trụ chính P13 có mũi cọc tựa trên lớp cát chặt vừa.

Điều này dẫn đến độ lún lệch giữa hai hàng cọc theo tính toán lên tới 12mm và có thể lớn hơn.

Trong khi đó, theo tính toán độ lún lệch một đài móng cho thấy, khi lún lệch đạt giá trị 11mm thì một số thang giắng xiên của trụ tạm đã bắt đầu nguy hiểm.

Khi độ lún lệch đạt 12mm thì các bu lông liên kết bung ra và các thanh giằng lần lượt bị đứt.

Thanh giằng bị đứt không làm việc, thì cột trụ  bị cong dồn tải sang các cột trụ khác gây mất ổn định toàn bộ trụ tạm T13U và sau đó là sự sụp đổ của các kết cấu bên trên. Hệ kết cấu đỡ tạm bị phá hủy rất nhanh do mất ổn định của trụ tạm, mà nguyên nhân gây ra là lún lệch ở một đài cọc.

Ủy ban điều tra đã “phác họa” lại diễn biến sập đổ như sau: Lún lệch trong một đài móng trụ tạm T13U, các thanh giằng xiên 81,64,65 lần lượt bị đứt dẫn tới oằn thanh cột trụ 46 kéo theo sập đổ toàn bộ kết cấu đỡ tạm. (Do trụ tạm T13U sập trước nên bản bê tông có xu hướng nghiêng dốc về phía thượng lưu, vì vậy đã có một số công nhân và vật dụng rơi xuống nóc các nhà phía thượng lưu như ghi nhận  được từ các nhân chứng).

Sự sập đổ do mất ổn định xảy ra rất nhanh, trong trường hợp sự cố này là khoảng 20 giây, vì vậy ngay sau khi trụ tạm T13U khuỵu xuống, bản bê tông cầu bị gãy thành nhiều đoạn, trọng lượng bản cầu tác  dụng lên đỉnh trụ chính P13 rất lớn (trên 1.000 tấn) đã phá vỡ liên kết bản bê tông với đỉnh trụ này.

Đây là nguyên nhân gây ra tiếng nổ và khói trắng bốc lên từ đỉnh trụ P13 theo lời kể của một số nhân chứng. “Sơ đồ biến dạng phá hoại của trụ tạm theo tính toán hoàn toàn phù hợp với hiện trạng còn lại của sự cố”-Bộ trưởng Quân nói.

Về trách nhiệm đối với sự cố này, Ủy ban điều tra cho rằng “Theo tiêu chuẩn AASHTO quy định áp dụng cho công trình thì trách nhiệm chính của thiết kế làm phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng, tức đảm bảo an toàn chịu lực của hệ thống kết cấu đỡ tạm.

Tuy vậy, việc xảy ra lún lệch trong phạm vi hẹp của một đài móng trụ tạm, nguyên nhân chính khởi nguồn gây ra sự mất an toàn kết cấu trong trường hợp này, có thể xem là tình huống rủi ro, khó lường trước trong thiết kế thông thường”.

Vì sao các nguyên nhân khác được loại trừ?

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, sự cố xảy ra trong khi đang thi công dầm cầu (tức là dầm cầu chưa làm việc) nên đối tượng gây ra sự cố được xác định là hệ thống kết cấu đỡ tạm phục vụ thi công dầm cầu.

Để tìm được nguyên nhân chính, khởi nguồn của sự cố, Ủy ban điều tra đã tập trung phân tích các khả năng dẫn tới sự cố trong các khâu: thiết kế, gia công, lắp đặt kết cấu đỡ tạm và từ các yếu tố bất lợi khác.

Ủy ban điều tra sau khi phân tích đã kết luận: Khâu thiết kế hệ thống kết cấu đỡ tạm (trong điều kiện chưa xét tới lún lệch) không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố.

Khâu gia công, chế tạo, lắp đặt hệ thông kết cấu đỡ tạm, Ủy ban điều tra phát hiện một số sai lệch thi công so với thiết kế (như một số đường hàn chịu lực có khuyết tật, một số lỗ bu-lông tại trụ tạm sai kích thước, sai vị trí phải chỉnh sửa lại) nhưng cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố.

Tìm nguyên nhân sự cố từ các yếu tố bất lợi khác, Ủy ban điều tra đã xem xét đến các yếu tố bất lợi mà trong hồ sơ thiết kế chưa đề cập tới (chiều dày lớp đất đắp; sự thay đổi của nước ngầm do các trận mưa liên tiếp trước khi xảy ra sự cố; sự tăng tải nhanh do bê tông cầu được đổ liên tiếp trong 2 ngày 24,25/9/2007; cộng hưởng dao động do công nhân thi công trên cầu và đi lại của cần cẩu). Song Ủy ban điều tra đã  loại trừ  nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố từ các yếu tố này.

Tô Nam
(ghi)

Xử lý trách nhiệm ra sao?

Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm đối với vụ sập cầu Cân Thơ, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nói:

Ở đây cũng đặt ra trách nhiệm đối với các bên liên quan.

Đối với pháp nhân, các nhà thầu của Nhật, nhà thầu phụ, các đơn vị trực tiếp liên quan cũng đều đã có đền bù cho nạn nhân và gia đình của họ với trách nhiệm cao nhất.

Còn cụ thể trách nhiệm thế nào thì cũng cần xem xét đến từng vị trí cụ thể như với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công. Về trách nhiệm cá nhân, sẽ xem xét trách nhiệm của người quản lý, người có lỗi trực tiếp.

“Vụ việc đã được Bộ Công an khởi tố vụ án để xem xét trách nhiệm hình sự trên cơ sở kết luận của Ủy ban điều tra. Ngoài ra, trên cơ sở nguyên nhân đó, sẽ làm rõ các trách nhiệm về hành chính, dân sự”- Ông Quân nói. 

Diễn biến sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ

Khoảng 7 giờ 55 phút ngày 26/9/2007, đầu giờ làm việc, 2 nhịp dẫn ở bờ Bắc của cầu Cần Thơ sụp đổ. Đó là nhịp 14 và nhịp 15 (cũng có người gọi nhịp 15 và 16), mỗi nhịp dài 40m, rộng 26m tổng khối lượng khỏang 6.000 tấn từ trên cao đã gãy gục.

Đến ngày 19/10, ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng và là Người phát ngôn của Bộ GTVT cho biết chính thức: Tổng số người bị nạn trong vụ thảm họa là 134, trong đó 54 người chết, 80 người bị thương. Trong số người chết, xác anh Trần Văn Hơn được tìm thấy và lấy ra từ đống đổ nát sáng ngày 17/10 là người cuối cùng. Trong số 54 người chết có 52 người chết tại hiện trường vụ thảm họa, 2 người bị thương rất nặng sau đó chết tại phòng cấp cứu Viện quân y 121.

Tuy nhiên, những câu hỏi về chất lượng công trình thì chưa kết thúc. Gói thầu chính của dự án cầu Cần Thơ gọi là gói thầu số 2, làm thân cầu chính qua sông và cầu dẫn 2 bờ có tổng chiều dài 2.750m. Nhà thầu chính là liên danh Taisei-Kajima-Nippon Steel thường gọi tắt TKN. Tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Cty Nippon Koei và Cty Chodai cũng của Nhật Bản.

Thế nhưng lại nảy ra các “nhà thầu phụ” phía Việt Nam: Nhà thầu phụ thi công VSL của Thụy Sỹ không có tên trong hồ sơ dự thầu ban đầu, thi công rồi mới được Chủ đầu tư là Bộ GTVT bổ sung vào. Nhà thầu phụ tư vấn thiết kế và giám sát thi công là TEDI và TEDI South là những doanh nghiệp của Bộ GTVT, những doanh nghiệp đã tư vấn thiết kế nên cái cầu Văn Thánh 2 ở thành phố Hồ Chí Minh đầy tai tiếng vì lún sụt, phải khắc phục nhiều năm chưa xong.

Song trực tiếp thi công hai nhịp cầu sập vẫn không phải là những “nhà thầu phụ” ấy mà là nhiều “nhà thầu phụ” khác nối theo sau như Cty Vĩnh Thịnh, Cty Thăng Long …Hai nhịp bị sập nằm trong tổng số 7 nhịp cầu được treo bằng dây văng để làm thành thân cầu chính đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Mỗi nhịp rộng 40m được đúc cố định tựa vào giàn giáo đỡ phía dưới, khi vững chắc rồi mới móc dây cáp để treo.

Thời điểm đó, nhiều báo thông tin theo hướng sự cố sập hai nhịp này rõ ràng do giàn giáo đỡ phía dưới có vấn đề. Giàn giáo yếu có thể vì ba lý do: Móng các trụ tạm (có 4 móng ở giữa 2 nhịp) bị lún. Các trụ tạm (kết cấu bằng thép) không chịu nổi sức nặng.

Hoặc giàn giáo (kết cấu bằng thép) chưa đảm bảo độ an toàn kỹ thuật. Lúc này, việc Cty Thăng Long xây dựng móng trụ tạm được dư luận săm soi. Sự kiện một kỹ sư kết cấu thép người Nhật Bản từng cảnh báo về thiếu thép trong giàn giáo cũng được gợi lên. Còn có câu hỏi nhỏ về chất lượng thép, về khoan khảo sát địa chất…

Cuối tháng 10/2007, dư luận tạm lắng chờ kết luận của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố cầu Cần Thơ.