Quang cảnh Lễ công bố
Tới dự, về phía Bộ KHCN có đồng chí Trần Việt Thanh - Thứ trưởng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ KH&CN. Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Kon Tum; UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Quảng Nam và Gia Lai; các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, nhà sản xuất Sâm Ngọc Linh.
Cây Sâm Ngọc Linh là loài cây thuốc “giấu” của đồng bào Xê Đăng, được Đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985 hai nhà khoa học (TS.Hà Thị Dụng và TS. Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (Theo Trung tâm Sâm Việt nam - 1993), thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.
Nhận thức đúng đắn về giá trị kinh tế, xã hội, khoa học và môi trường của cây sâm Ngọc Linh, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã xác định đây là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các ngành liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã bảo tồn và phát triển được trên 300 ha sâm Ngọc Linh được trồng trên núi Ngọc Linh, chủ yếu thuộc địa phận xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) trên độ cao 1.800 - 2.500 m.
Để phát triển sâm Ngọc linh trên cơ sở bảo tồn nguồn gen, nhằm xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu và mở ra triển vọng to lớn về phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Quốc gia, tỉnh Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; theo đó, vùng quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh có diện tích 31.742 ha, thuộc 03 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (Đăk Glei) và 05 xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi (Tu Mơ Rông); đến năm 2020, diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt 1.000ha, với sản lượng ước tính 190 tấn; tạo thương hiệu Quốc gia về Sâm Ngọc Linh; đến năm 2025, trồng hết diện tích khoảng 9.343,6 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ Sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ KHCN trao tặng Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ cho lãnh đạo tỉnh Kon Tum
Qua hơn 4 năm nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục, ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; cùng ngày, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 3239/QĐ-SHTT cấp phó bản số 01 của Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lí số 00049 cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam.
Như vậy, Ngọc Linh là địa danh đầu tiên của tỉnh Kon Tum được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh trở thành chỉ dẫn thứ 49 mà Việt Nam đã bảo hộ và chỉ dẫn địa lý thứ 45 của Việt Nam được bảo hộ.
Đồng chí Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại buổi lễ
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: Việc chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh nằm trên phạm vi của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý và duy trì sự thống nhất trong hoạt động sản xuất, thương mại sản phẩm nhằm duy trì danh tiếng, uy tín về chất lượng của sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, để hiệu quả trong quản lý chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam cần có sự trao đổi, thống nhất về phương án tổ chức và quản lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền sử dụng, các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, tổ chức kiểm soát… nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân ở hai địa phương; việc kiểm soát hoạt động sản xuất đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi hoạt động quản lý cần có những giải pháp cụ thể vừa đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhưng cũng phải duy trì sự ổn định của hệ sinh thái; nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp về công nghệ trong việc trồng và chế biến sản phẩm; tỉnh cần có những đầu tư hợp lý trong thời gian tới nhằm giúp người dân có những giải pháp để có thể nâng cao sản lượng, duy trì chất lượng và tiếp cận hiệu quả vào thị trường.
Đồng chí Trần Việt Thanh cho biết thêm: Đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án đầu tư 567 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2024 nhằm xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia; mong rằng với dự án này, sâm Ngọc Linh sẽ phát huy được tối đa giá trị, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và người tiêu dùng trên cả nước. Bộ KHCN luôn đồng hành cùng với các địa phương, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, hình thành những doanh nghiệp khởi tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các đặc sản đã được nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại buổi Lễ
Thay mặt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực phấn đấu của của các ngành, các cấp tỉnh Kon Tum và sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và các ngành liên quan trong việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sâm Ngọc Linh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc sống trong vùng núi Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh: Đây là bước đột phá mang tính chiến lược trong phát triển tài sản trí tuệ, cũng như góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bởi đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho sản phẩm có chất lượng đặc thù, đây là cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường trong nước và quốc tế. Việc sản phẩm sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vừa là niềm tự hào đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm gìn giữ và quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và người dân Kon Tum. Vì vậy, đề nghị thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động thương mại có tính quảng bá cao nhằm mục đích xây dựng, củng cố uy tín, hình ảnh, tên tuổi của sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước mở ra một tiềm năng phát triển kinh tế mới cho tỉnh Kon Tum, cho các ngành sử dụng nguyên liệu chế biến dược phẩm từ sâm.
Xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý; tập trung triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với quản lý phát triển chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh; hướng đến việc tạo thương hiệu quốc gia về sâm Ngọc Linh. Từ các giải pháp tích cực, thiết thực và đồng bộ, tỉnh Kon Tum sẽ phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành một vùng chuyên canh sản xuất với số lượng lớn tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân. Mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục giúp Kon Tum phát triển cây sâm Ngọc Linh tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum