Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT ban hành quyết định thành lập tổ công tác do thành viên sở này làm tổ trưởng trước ngày 10/5. Các thành viên còn có cá nhân thuộc Sở Tài chính, Sở TN&MT, Tư pháp, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Ea Súp. Tổ công tác này có chức năng rà soát, thu thập toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc, hiện trạng, phương án sử dụng đất đối với 4 cty nêu trên; Kiểm tra đánh dấu lại số lượng kiểm kê rừng đã được phê duyệt năm 2014 (kiểm kê 3 loai rừng) có đảm bảo chính xác hay không…
Đây là 4 công ty lâm nghiệp đã để mất rừng với quy mô lớn. Suốt thời gian dài, báo Tiền Phong đăng tải nhiều bài viết về tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng do buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, những người đứng đầu công ty chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc được thăng chức cao hơn.
Theo tài liệu, năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Cty Rừng Xanh gần 14 nghìn ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Ea Rốk và Cư Kbang. Từ 2010-2016, do quản lý không chặt chẽ, đơn vị này đã để lấn chiếm, xâm canh trái phép hơn 2.270 ha (trong đó có hơn 1.626 ha rừng tự nhiên).
Theo Thanh tra Đắk Lắk, tại thời điểm thanh tra (năm 2018), Cty Rừng Xanh chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT; cho ông Lang Văn Tăng (cán bộ công ty) mượn đất xây trụ sở, rồi xây dựng nhà ở của mình cố định từ năm 2009 đến nay là không đúng quy định Luật đất đai.
Cơ quan chức năng xác định, để xảy ra những sai phạm nói trên thuộc về ông Nguyễn Văn Đính – Giám đốc và những người có liên quan của Cty Rừng Xanh.
Tiếp đến là Cty Cư Mlan được UBND tỉnh Đắk giao hơn 15.700 ha rừng và đất rừng (trong đó hơn 11.500 ha thực hiện vào mục đích đất nông nghiệp; hơn 3.100 ha còn lại là rừng phòng hộ). Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn công ty để mất hơn 10.500 ha rừng và đất rừng; lập 2.643 biên bản vi phạm với diện tích bị phá hơn 4.000 ha, nhưng không có giá trị pháp lý; không chuyển hồ sơ các vụ vi phạm hình sự cho công an xử lý; chiếm dụng 1,5 tỷ đồng kinh phí quản lý và bảo vệ rừng sản xuất nghèo kiệt năm 2013, 2014; nợ 16 tháng lương cán bộ, công nhân viên… Ông Nguyễn Hữu Thu – nguyên Giám đốc công ty và cấp phó là ông Nguyễn Văn Quyến bị UBKT Huyện ủy Ea Súp kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo.
Sau khi thực hiện lệnh của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng, 2 công ty nói trên gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ giải thể. Năm 2017, Cty Rừng Xanh và Cty Cư M’lan sáp nhập lại thành công ty hai thành viên với tên gọi mới: Cty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk (Cty Lâm nghiệp Đắk Lắk). Bản thân ông Nguyễn Văn Quyến sau khi hết án kỷ luật lại được UBND tỉnh Đắk Lắk ủy quyền làm người đại diện phần vốn của nhà nước từ ngày 1/1/2019, với chức vụ Phó Tổng giám đốc Cty Lâm nghiệp Đắk Lắk, tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Đáng lưu ý, ông Quyến còn sở hữu 2 căn nhà gỗ quý đồ sộ ngay tại trung tâm Thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) "tạo dư luận không tốt" (kết luận của Ủy ban Kiểm tra huyện ủy).
Ngày 8/5, Đại tá Lê Văn Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện vụ việc đang tập trung điều tra mở rộng nên chưa thể cung cấp thông tin. “Quan điểm xử lý của công an theo đúng quy định của pháp luật, bất kể đó là ai” – đại tá Tuyến nói.