Công an cảnh báo trẻ dùng điện thoại bị bắt nạt trực tuyến

TPO - Thiếu tá Đào Mạnh Tú, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cảnh báo, trẻ em tiếp cận Internet từ rất nhỏ, nhưng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức Hội nghị “Tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” trong toàn quốc.

Thiếu tá Đào Mạnh Tú chia sẻ, hiện nay trẻ em được tiếp cận Internet từ rất nhỏ, nhưng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng. Điều này dẫn đến việc trẻ em trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, thậm chí trở thành nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trực tuyến.

"Tỉ lệ trẻ em sử dụng mạng internet ngày càng tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Không chỉ học sinh THCS, THPT mà ở bậc tiểu học, trẻ đã được cha mẹ trang bị máy tính bảng, điện thoại kết nối internet", theo Thiếu tá Tú.

Thiếu tá Đào Mạnh Tú cảnh báo, trẻ tự do sử dụng mạng sẽ đối mặt với những nguy cơ, rủi ro như: tình trạng bắt nạt trực tuyến, xâm hại trực tuyến; tiếp cận các nội dung độc hại.

Theo những nghiên cứu gần đây, trẻ thường dành từ 3-5 giờ mỗi ngày ở trên môi trường mạng. Thời gian sử dụng mạng của trẻ còn nhiều hơn thời gian vui chơi, kết nối với người thân trong gia đình, nhất là trong dịp hè.

Thiếu tá Đào Mạnh Tú thông tin, khi lên mạng, trẻ chủ yếu tham gia các nền tảng xã hội để nhắn tin, kết nối bạn bè, xem video, theo dõi nhân vật nổi tiếng hay tham gia các trò chơi trực tuyến để giải trí. Không ít phụ huynh cho con thoải mái xem video để có thời gian nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh không song hành, kiểm soát con dễ bị các nội dung xấu độc tác động. Bởi các video hiện bị lồng ghép, thậm chí chèn nội dung độc hại để “bẫy” trẻ.

Với thực trạng đó, Thiếu tá Đào Mạnh Tú cảnh báo, cha mẹ cho trẻ tự do sử dụng mạng sẽ đối mặt với những nguy cơ, rủi ro như: tình trạng bắt nạt trực tuyến, xâm hại trực tuyến; tiếp cận các nội dung độc hại và có nguy cơ nghiện internet cũng như các trò chơi trực tuyến.

Trong đó, bắt nạt trực tuyến là vấn đề rất đáng lưu tâm, khiến cho trẻ dễ bị tổn thương tinh thần. Do còn thiếu kinh nghiệm và khả năng phân tích, trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi các nội dung tiêu cực này, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến tư duy và tâm lý. Những tác động đó có thể kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của các em trong tương lai.

Dạy học sinh bảo vệ mình trên mạng

TS Lê Hoàn, giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Điện lực cho rằng, bên cạnh việc giảng dạy kiến thức chuyên môn, các cơ sở giáo dục cần ưu tiên xây dựng những chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trường học cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo và hoạt động tuyên truyền nhằm trang bị cho học sinh, giáo viên, và phụ huynh những kiến thức cần thiết cũng như xây dựng kỹ năng thực tiễn giúp trẻ em tự bảo vệ mình, đồng thời định hướng thói quen sử dụng công nghệ một cách lành mạnh và sáng tạo.

Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, môi trường mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt với các em học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tiếp cận thông tin độc hại, lạm dụng dữ liệu cá nhân, hay các hành vi xâm phạm quyền trẻ em như bắt nạt, lừa đảo, và nguy cơ nghiện mạng.

“Trẻ em và học sinh là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Đồng thời, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội là cùng nhau xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần”, ông Việt nói.

Chương trình tập huấn dành cho cán bộ và giáo viên phụ trách về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Nội dung tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo mật thông tin nhà trường, đồng thời tạo môi trường học tập và vui chơi an toàn cho trẻ em và học sinh. Cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết để cán bộ quản lý và giáo viên có thể hướng dẫn, bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ từ không gian mạng đồng thời, cũng thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đảm bảo an toàn mạng cho trẻ em.