Sáng 18/1, Đại tá Nguyễn Văn Bôn - Trưởng Công an TP. Buôn Ma Thuột, cho biết: Đơn vị đang gấp rút vào cuộc điều tra vụ trường lái “mạo danh” trực thuộc trường của Bộ Công an để lừa đảo học viên nộp tiền học và thi bằng lái ô tô.
Theo Đại tá Bôn, ngay sau khi nhận được thông tin từ phản ánh của người dân và cơ quan báo chí, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ. “Đây là vụ việc gây xôn xao dư luận, không chỉ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn có dấu hiệu mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Hiện đơn vị đã mời một số đối tượng liên quan lên làm việc ”, Đại tá Bôn cho biết.
Sáng cùng ngày, ông Trần Thủ - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Theo quy định, những cơ sở nào có đăng ký hoạt động đào tạo lái xe thì Thanh tra sở mới có quyền kiểm tra, xử lý. Còn nơi gắn bảng Trung tâm đào tạo lái xe chi nhánh tại số 263 Phan Chu Trinh này không hề đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng địa phương. Vì thế, việc kiểm tra và xử lý Trung tâm này thuộc trách nhiệm của ngành công an.
“Qua thông tin phản ánh từ báo chí, sáng 18/1, Thanh tra Sở đã đến địa chỉ trên tìm hiểu nhưng cơ sở đã đóng cửa, các số điện thoại ghi trên bảng hiệu đều không liên lạc được. Hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với lực lượng công an để làm rõ vụ này. Rất có thể cơ sở này đã quảng cáo mạo danh trường Đại học PCCC - Bộ Công an để lừa các học viên, có dấu hiệu lừa đảo nên cơ quan công an chủ trì điều tra”, ông Thủ chia sẻ.
Như Tiền Phong đã phản ánh, vào đầu tháng 9/2018, một tài khoản trên Facebook đã đăng những dòng thông tin về việc trường Đại học PCCC - Bộ Công an mở cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe có địa chỉ đóng tại 263 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột. Tài khoản này còn đăng những dòng quảng cáo có cánh như: Hỗ trợ lấy bằng trước Tết cấp tốc; hỗ trợ đào tạo vững chắc tay lái 100% cho các học viên; hỗ trợ giảm 100% học phí cho bộ đội xuất ngũ; đặc biệt hỗ trợ đào tạo với tỷ lệ thi đậu cao nhất… Vì thế, rất nhiều người đã nộp tiền theo học tại đây.
Từ tháng 9/2018 đến nay, cơ sở đã tuyển sinh 3 đợt với số học viên đăng ký theo học lên tới hơn 400 người. Mỗi học viên theo học phải đóng một khoản tiền từ 6 đến 10 triệu đồng tuỳ thứ hạng bằng lái. Nhưng thu tiền xong, cơ sở này không đào tạo như cam kết mà phải đi mượn, thuê giáo viên của một số cơ sở đào tạo khác trên địa bàn để dạy. Tới thời điểm thi, các học viên còn phải tự mua vé máy bay ra tận Hà Nội, Hoà Bình để thi.
Vào ngày 11/1 vừa qua, trung tâm này có đưa 20 học viên đi thi ở Hòa Bình nhưng chỉ có khoảng một nửa học viên đậu và hiện chưa được cấp bằng lái. Bức xúc, ngày 15/1 nhiều học viên đã kéo lên phản ánh thì thấy văn phòng Trung tâm đã đóng cửa, nhân viên và quản lý biến mất không thể liên lạc được.