Hàng trăm thợ săn kho báu vài tháng qua thi nhau đổ xô về vùng Hạ Silesia của Ba Lan. Họ vây quanh Lâu đài Ksiaz, lục tung mọi ngõ ngách để tìm vàng. Bình thường, tỉnh đông nam Ba Lan này là một địa danh không quá nổi bật và đang phải vật lộn đối phó với tình trạng kinh tế khó khăn. Nhưng từ khi có hai nhóm thám hiểm tuyên bố phát hiện ra dấu vết của đoàn tàu chở kho báu từ thời phát xít Đức tại đây thì mọi chuyện thay đổi hoàn toàn.
"Công cuộc vén màn bí ẩn lớn nhất vùng đất của chúng ta bắt đầu", New York Times dẫn lời Krzysztof Kwiatkowski, thị trưởng thành phố Walbrzych, hai tuần trước phát biểu với các phóng viên.
Theo truyền thuyết địa phương, đoàn tàu được giấu dưới hệ thống đường hầm nằm sâu trong những dãy núi cao um tùm cây cối, do trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh xây dựng. Vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II, quân phát xít bỏ chạy, để lại đoàn tàu với một khối lượng lớn vàng bạc, đá quý cùng các loại vũ khí. Nhiều người nghi ngờ trên tàu còn chứa cả Căn phòng Hổ phách, kho báu thất truyền mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới.
Truyền thuyết ấy vẫn được mang ra kể hơn 70 năm qua mặc dù các nhà sử học đều phủ nhận tính xác thực của nó. Hơn một tháng trước, truyền thuyết lại sống dậy khi các nhà thám hiểm Piotr Koper và Andreas Richter nói tìm ra kho báu nghi là "con tàu vàng" huyền bí.
Một nhà thám hiểm địa phương khác là Krzysztof Szpakowski cũng tuyên bố phát hiện một hệ thống đường hầm phức tạp trên dãy núi Owl, cách nơi giấu con tàu khoảng 24km. Đây nhiều khả năng là một phần của công trình ngầm lớn nhất thuộc Dự án Riese mà Hitler tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới II. Mục đích của dự án này đến nay vẫn còn là bí mật.
Giống như các nhà sử gia, Bartosz Rdultowski, tác giả của loạt sách viết về các hiện tượng, sự kiện kỳ lạ ở vùng Hạ Silesia, hoài nghi về những phát hiện mới của các nhà thám hiểm.
"Ta nghe về chúng không biết bao nhiều lần rồi?", ông nói. "Cuối những năm 90, chính phủ ra lệnh lục tung cả nửa ngọn núi gần Piechowice chỉ vì một người đàn ông nói đoàn tàu ở đó. Nhưng cuối cùng chẳng có gì cả".
"Còn những đường hầm thì sao? Chúng có thể thuộc về một mỏ cũ nào đó", Rdultowski cho hay. "Trước chiến tranh, phải có tới 200 địa điểm như thế quanh khu này".
Dù vậy, không có nghĩa là tất cả mọi thứ ở Walbrzych đều đã được khám phá hết, vẫn còn nhiều điều thú vị thu hút các tay săn khó báu tìm đến đây, Rdultowski nói thêm.
Lâu đài Ksiaz. Ảnh: AP.
Xới tung mọi ngóc ngách
Hàng nghìn người từ khắp nơi ở Ba Lan không ngừng đổ về Walbrzych. Họ phải dò tìm, đào bới lén lút trong đêm tối vì hoạt động này không được chính quyền cho phép. Nhiều địa điểm khảo cổ bị xới tung, thậm chí phá hủy hoàn toàn. Hơn 120 hãng tin quốc tế liên tục bao vây những nơi nghi ngờ để nghe ngóng thông tin và chụp ảnh.
Mức độ nguy hiểm của cuộc săn lùng kho báu này cũng khiến giới chức địa phương lo ngại. Chính quyền cho hay một phụ nữ khoảng 35 tuổi ba tuần trước thiệt mạng trong lúc đang cố gắng tìm cách đột nhập một hầm mộ gần Walbrzych. Hầm mộ trên thuộc quyền sở hữu của gia đình von Kramst, chủ một doanh nghiệp dệt may nổi tiếng khắp vùng Silesia. Người dân đồn thổi nơi đây chứa đầy báu vật.
"Cơn sốt đào vàng đã lên đến đỉnh điểm. Chúng ta phải làm gì đó để ngăn chặn những người tìm kiếm kho báu tiếp tục kéo tới", bà Barbara Nowak-Obelinda, nhà hoạt động bảo vệ các di tích của Hạ Silesia, nói. Bà từng đệ đơn khiếu nại hai nhóm thám hiểm vì sử dụng radar xuyên đất để săn kho báu bất hợp pháp. "Sáng nào tôi cũng nhận được phàn nàn từ các nhà khảo cổ về việc nhiều di tích quan trọng bị phá hủy chỉ trong một đêm", bà nói.
Bà Elzbieta Mirkowska, 74 tuổi, sống cách nơi nghi có đoàn tàu chở vàng của phát xít khoảng 1,6 km, cho biết bà nghe đi nghe lại truyền thuyết về con tàu suốt nửa thế kỷ qua. Bà thấy khá thú vị khi cuối cùng người ta cũng bắt tay vào tìm cách khai quật con tàu kỳ bí này. Song "những gì các thợ săn kho báu đang làm dường như hơi quá", bà Mirkowska nói.
"Họ có mặt ở mọi nơi. Lúc trước thì họ đi vào ban ngày, vác theo những chiếc máy dò kim loại. May mắn thay, bây giờ họ cảnh giác hơn và thường tới khi màn đêm buông xuống".
Theo các chuyên gia về lịch sử, phát xít Đức trước đây thường dùng những lâu đài hay biệt thự ở vùng Hạ Silesia làm nơi cất giữ các tác phẩm nghệ thuật, trang sức và vàng bạc do cướp bóc mà có.
Sau nhiều thập kỷ tìm kiếm mà không có kết quả, các quan chức ở Walbrzych rất lạc quan về việc những khám phá mới sẽ giúp họ vén màn bí mật tồn tại bấy lâu nay.
Walbrzych từng phát triển thịnh vượng nhờ ngành công nghiệp khai khoáng nhưng ba hầm mỏ lớn tại đây bị đóng cửa vào những năm 1990 khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nhanh chóng.
Tàu chở vàng của phát xít Đức được cho là nằm dưới đường hầm ở lâu đài Ksiaz, cách Walbrych 3 km. Đồ họa: zerohedge.
Walbrzych nằm lọt thỏm giữa thung lũng đẹp như tranh vẽ tại vùng núi Owl và là một trong số ít thành phố của Ba Lan còn nguyên vẹn sau Chiến tranh Thế giới II. Chính vì thế, không ít di sản độc đáo của người Phổ, Bohemian và Áo vẫn được bảo tồn khá tốt tại vùng đất này. Dù vậy, Walbrzych lại thu hút rất ít khách du lịch tới tham quan, không giống như Wroclaw, thành phố hàng xóm, nơi mà rất nhiều người miêu tả là một trong những thành phố tươi đẹp và cổ kính nhất châu Âu.
Nhưng Walbrzych mấy tuần gần đây dường như đã bước ra khỏi cái bóng của Wroclaw. Vô số người hàng ngày vẫn tập trung gần nơi nghi có đoàn tàu chỉ để thỏa mãn trí tò mò, bất chấp việc khu vực này bị canh phòng suốt ngày đêm.
Maciej Nowak và Jaroslaw Piwowarczyk là hai người đam mê lịch sử đến từ thành phố Krakow, Ba Lan, cũng không bỏ qua cơ hội dừng chân tại Walbrzych.
"Tôi là người khá đa nghi", Nowak nói. "Nhưng cảm giác thật tuyệt khi được sống ở một nơi mà những truyền thuyết có thể sống lại một lần nữa".