> Phó thủ tướng thăm người dân Bản Khoang bị lũ quét
> Bản Khoang: Vẫn tìm nạn nhân cuối cùng
Còn 6 nạn nhân mất tích
Sáng 19/9, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Đắk Lắk đã tìm thấy hai thi thể là ông Đào Văn Lý (49 tuổi) và bà Hầu Thị Mỵ (44 tuổi); bốn nạn nhân được cứu sống là bà Lý Thị Pằng cùng hai đứa con Đào Thị Máy, Đào Thị Thủy và ông Đào Văn Thanh.
Sáu nạn nhân còn mất tích gồm 2 chị em ruột Đào Thị Thúy (4 tuổi), Đào Thị Phương (8 tuổi), con bà Pằng, Đào Văn Dinh, Dương Thị Hoa, Đào Văn Giang, Lý Thị Di. Tất cả đều trú tại xã Cư K’Bang (huyện Ea Súp, Đắk Lắk).
Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Đào Văn Thanh (44 tuổi, thôn 14), người sống sót và tự tìm được đường về nhà kể lại: Sáng 15/9, 12 người trong 4 gia đình chúng tôi rủ nhau vào rẫy trỉa lạc. Bốn gia đình cùng canh tác trên mảnh đất nằm giữa 2 con suối Ea H’leo và Ea Drăng, đi vào phải mất 3 tiếng đồng hồ. Lúc này trời đang nắng, dòng suối ở hai bên nước cũng đang rất cạn.
Tối hôm sau, trời bắt đầu đổ mưa lớn. Nước lên nhanh và chảy xiết. Đến sáng 17/9 nước bắt đầu dâng lên đến mép của chòi rẫy. Mọi người rủ nhau tập trung lên chòi rẫy của nhà Lý để tránh nước vì chòi này cao hơn những chòi khác. Nước tiếp tục lên và mọi người bắt đầu lo lắng. Đến khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, nước từ đầu nguồn ập về chỗ mọi người đang đứng. Tôi đứng phía ngoài nên bị nước cuốn trôi ra xa…
Trong dòng nước xiết, ông Thanh may mắn ôm được một cây gỗ, rồi vướng phải bụi cây và mắc lại ở đó. Bụi cây cách chòi khoảng 20m, ông nhìn rất rõ mọi người bị nước cuốn đi. Cái chòi cũng bị nước cuốn phăng. Đang cố gắng giữ cho mình khỏi bị nước cuốn trôi, ông Thanh thấy 3 mẹ con bà Pằng bơi đến.
Mọi người nắm chặt cành le cố gắng để không bị nước cuốn trôi. Đến chiều tối, trấn an 3 mẹ con cố gắng bám trụ rồi ông bơi vào bờ để tìm người đến cứu. Vào đến bờ ông lả người và nằm thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy lặn lội tiếp một ngày một đêm nữa trong rừng, ông mới về đến nhà và gọi người đi cứu giúp mọi người. “Vợ tôi cũng bị nước lũ cuốn trôi đến nay chưa tìm thấy, mong ông trời đừng bắt để tôi lại với hai đứa con dại ở nhà”- ông Thanh chắp tay cầu khấn.
Huy động gần 200 người tìm kiếm nạn nhân
Sau ba ngày không ăn uống, 3 mẹ con bà Pằng gần như kiệt sức, phải nhờ dìu đỡ, bà mới địu được đứa con hơn một tuổi lên bờ. Mọi người không cầm được nước mắt khi nhìn thấy đứa con nhỏ của chị tím tái ướt sũng, run cầm cập phía sau lưng mẹ.
Bà Pằng ngây dại nhìn xác người chồng dưới chân, rồi lại đưa mắt hướng về phía suối nước cuồn cuộn chảy, nơi hai đứa con thơ dại của bà đã bị dòng nước cuốn trôi chưa tìm thấy tung tích. “Bây giờ chồng mất, hai đưa con bị nước cuốn trôi chưa biết sống chết thế nào? Sao ông trời lại ác với tôi như vậy!” - bà Pằng vật vã.
Tham gia cứu hộ suốt mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Vương (ở thôn 6, xã Ea Rốc) cho hay, việc tìm kiếm người kẹt trong lũ gặp rất nhiều khó khăn vì dòng nước lớn và chảy xiết. Ca nô đã quần thảo nhiều lần, mãi tới sáng nay nước rút mạnh mới tìm thấy thi thể người chết và cứu người còn sống.
Thiếu tướng Đoàn Kiểu - Phó Tư lệnh QK5, đang trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ tại hiện trường cho biết, công việc tìm kiếm các nạn nhân đang được tiến hành khẩn trương, hiện có hơn 40 cán bộ chiến sỹ cùng gần 150 dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng khác tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Lũ cuốn ô tô, 5 người mất tích
Khoảng 18h ngày 19/9, một chiếc ô tô chở 7 người bị nước cuốn trôi tại khu vực đập tràn Khe Ang, thuộc địa phận xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn. Ngay sau khi xảy ra sự cố, 2 người đã mở cửa xe nhảy ra ngoài, thoát hiểm. 5 người khác bị mắc kẹt trong xe, bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng gồm công an, bộ đội cùng người dân tham gia ứng cứu, nhưng do trời tối nên công tác cứu hộ gặp khó khăn.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB&GNTT) tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của bão số 8, mưa lũ đã làm ngập úng 15,9 ha lúa, 7,2 ha ngô, sắn; các tuyến đường tỉnh lộ 672, 673, 676, 677 bị sạt lở nhiều nơi khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn và ách tắc; 2 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng đầu mối; 1 phòng học bị sập mái ngói… Tổng thiệt hại ước khoảng 16 tỷ đồng.
Tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Ánh cho biết, mưa lũ đã cô lập hơn 5.000 hộ dân các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn... UBND huyện đã trực chiến 24/24 để di dời và ứng cứu trong lũ. Đến nay các lực lượng của huyện đã di dời khoảng 2.500 người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi an toàn.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Trị, đã có 1 người chết do lũ cuốn và 1 người bị thương; 33 nhà bị tốc mái; 3.500 ha hoa màu và lúa bị ngập; 1.500 gia cầm bị cuốn trôi. Đến chiều 19/9, đã có hơn 5.000 nhà dân bị ngập lụt.
Tại tỉnh Quảng Nam đã có 2 người chết và mất tích do mưa, bão số 8, hàng ngàn hécta lúa hè thu bị ngã đổ, hàng chục điểm bị sạt lở trên các tuyến đường… Tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Chiều 19/9, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (UBND tỉnh Đắk Lắk), trên địa bàn tỉnh có 4 huyện bị ngập do lũ, trong đó có 2 huyện Ea Súp và EaH’Leo bị ngập nặng, một số tuyến đường ngập sâu 0,5m gây ách tắc giao thông. Riêng tại huyện Ea Súp có 2.107 nhà bị ngập, 2.110 hộ phải di dời và gần 2.000 ha hoa màu, lúa bị thiệt hại do lũ. Đặc biệt, Đồn 735 – Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cứu hộ, đưa 4 binh sỹ ở Chốt 9 - Đồn Ô Lưu của nước bạn Campuchia bị lũ cô lập về Đồn an toàn.