Tại hội thảo, khoảng 100 đại diện đến từ các đối tác chiến lược, các cộng đồng thụ hưởng dự án của tổ chức Bánh mì cho thế giới, các cơ quan chính phủ, các đại sứ quán, quỹ… tập trung thảo luận 3 chủ đề chính, gồm Thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, Năng lượng và Nông nghiệp sinh thái.
Nông nghiệp sinh thái
Các đại biểu nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp tiếp cận nông nghiệp sinh thái, theo đó giới thiệu các lộ trình tiềm năng về phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái tích hợp các nguyên tắc sinh thái và các vấn đề kinh tế - xã hội vào trong các hệ thống sản xuất nông nghiệp.
Các cánh đồng mẫu ở vùng Tây Bắc cho thấy nông nghiệp sinh thái có thể ngăn cản sự suy thoái của các hệ sinh thái, khôi phục đa dạng sinh học, và cải thiện các sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thông qua các biện pháp sinh học, các lộ trình nông nghiệp sinh thái có thể làm giảm việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng được công nhận là một mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Báo cáo 1,5o của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu chỉ ra rằng nếu phát thải toàn cầu không giảm đi một nửa vào năm 2030, thì sự ấm lên toàn cầu sẽ đạt 1,5o vào những năm 2030 và sẽ không còn cơ hội để trở về mốc 1,5o.
Ở Việt Nam, số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho thấy mực nước biển dâng gây mất 5% đất dọc các bờ biển và giảm 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu – trong đó có hạn hán và suy giảm tài nguyên nước, xói lở đất và mất chất dinh dưỡng trong đất, sa mạc hóa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, và suy giảm sản xuất lương thực, thực phẩm – đã gạt đi bao thành tựu đạt được, làm chậm sự phát triển trong nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống con người.
Năng lượng vừa là bài toán vừa là lời giải trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Sản xuất và tiêu thụ năng lượng hiện là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam cũng như là trên thế giới. Mặt khác, sự phát triển đột phá của năng lượng gió và mặt trời đã trở thành giải pháp then chốt để cứu loài người khỏi thảm họa khí hậu.
“Hội thảo chia sẻ và học hỏi này là điểm xuất phát của chúng ta để phổ biến các thực hành tốt trong lĩnh vực khí hậu tới công chúng, cũng như là gia tăng sức mạnh tổng hợp để tăng cường năng lực cho các nhóm dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, bà Eva-Maria Jongen, trưởng văn phòng đại diện Bánh mì cho thế giới khu vực Việt Nam – Lào, nói.
Sinh kế thích ứng với khí hậu
Trong 25 năm qua, tổ chức Bánh mì cho thế giới đã đồng hành với nhiều tổ chức đối tác ở Việt Nam để thực hiện 450 dự án và chương trình, trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người đang gặp khó khăn. Quan hệ đối tác đa phương nhấn mạnh các giải pháp xanh đối với biến đổi khí hậu, bao gồm các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường, sinh kế thích ứng với khí hậu, các sáng kiến về năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, tăng cường hấp thụ các-bon và thúc đẩy khôi phục hệ sinh thái, và nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu cho các cộng đồng còn gặp khó khăn.
Người dân địa phương, đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số, được tăng cường năng lực thông qua các hoạt động đối tác này, đã xác định được các cách tốt nhất để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh của mình. Các biện pháp do nông dân đề xuất và thực hiện như loại bỏ hoàn toàn thuốc diệt cỏ, giảm hóa chất, ủ phân compost và sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát sâu bệnh, đã giúp phục hồi các hệ sinh thái đồng thời cải thiện các sinh kế địa phương. Các đối tác của tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế, cũng như là bảo tồn và phát triển kiến thức bản địa.
Ngoài ra, Bánh mì cho thế giới và các đối tác đã đẩy mạnh các giải pháp về tiếp cận năng lượng sạch trong các cộng đồng, gia tăng các cơ hội phát triển công bằng, đồng thời bảo đảm sức khỏe và phát triển bền vững cho người dân địa phương.
Bánh mì cho thế giới được thành lập tại Đức năm 1959, là một tổ chức cứu trợ và phát triển toàn cầu hoạt động tại hơn 90 quốc gia. Để hỗ trợ cho người nghèo và dễ bị tổn thương cải thiện các điều kiện sống, các lĩnh vực hoạt động của Bánh mì cho thế giới trải rộng từ phát triển kinh tế bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, nông nghiệp sinh thái, đến quản trị, bình đẳng giới, hòa nhập xã hội, và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.