Có những vụ đưa nhau ra tòa ly hôn với những nguyên nhân lãng xẹt, thật không đáng để xảy ra tan vỡ gia đình.
Bỏ nhau vì chồng ngoại tình (!?)
Một chị ngấp nghé 40 tuổi đệ đơn xin ly dị chồng. Hai vợ chồng đã có với nhau 2 mặt con, một trai, một gái. Đứa lớn học lớp 4, đứa sau học lớp 2. Kinh tế gia đình khá ổn vì cả hai có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng đều đều. Biết rằng “không hợp nhau” chỉ là cái cớ, thẩm phán đã kiên trì tìm hiểu để nắm bắt cho được lý do đích thực việc họ ly dị để có hướng hòa giải, xử lý.
Thẩm phán hỏi: “Tại sao chị ly dị chồng?”. Chị vợ trả lời không do dự: “Anh ấy có tình nhân”. “Chị có chứng cứ nào chứng minh anh ấy ngoại tình không?”. Chị vợ im lặng nhìn quanh, một lát sau nói: “Dứt khoát anh ta ngoại tình, linh cảm của tôi chính xác lắm, không trượt đi đâu được!”. Thẩm phán: “Chị cứ áp đặt suy nghĩ của mình, nếu như chồng chị vẫn chung thủy một vợ một chồng, thì chị nghĩ sao?”. Chị vợ vẫn quả quyết: “Không! Dứt khoát anh ấy có bồ, kiểu “chán cơm thèm phở”, tôi sống hơn mười năm với anh ấy, tôi biết tính anh ấy chứ!”.
Lần nào mời lên Tòa, chị vợ cũng nhất quyết đòi bỏ chồng vì lý do anh chồng có nhân tình, bỏ mặc vợ. Thẩm phán vẫn kiên nhẫn: “Chị nói thật đi, dựa vào đâu chị nói chồng chị “chán cơm thèm phở” nào?”. Gặng hỏi mãi, chị vợ mới ngượng ngùng, mắt ươn ướt, nói nhỏ: “Nói thật nhé, hơn một năm nay, anh ấy không động chạm đến người tôi…”. “Hai người vẫn ngủ chung giường chứ?”. “Vâng. Vẫn chung giường, chung chăn. Nhưng anh ấy tuyệt không có những cử chỉ, động tác như ngày trước… Tôi tủi thân, nhiều đêm chỉ khóc thầm một mình”…
Thẩm phán mời anh chồng lên để tìm hiểu thêm. Thoạt đầu, anh ta phản bác lời người vợ, cho rằng vợ chồng vẫn quan hệ tình dục bình thường, không có chuyện “chán cơm thèm phở”. Anh ta còn thề độc rằng, với danh dự người đàn ông, dứt khoát không bao giờ “vợ trong vợ ngoài”, lăng nhăng, vì như vậy là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, không đáng là bố của hai đứa trẻ. Thẩm phán tiêp tục kiên trì: “Vợ anh bảo hơn một năm nay, anh không động chạm đến cơ thể vợ, sao lại như vậy?”. Anh chồng bỗng cúi đầu, ra chiều suy nghĩ. Một lát sau, nói nhỏ: “Tôi cũng muốn gần gũi vợ tôi lắm, nhưng sao khó quá!?...”. Chị thẩm phán nhỏ nhẹ, giọng tình cảm: “Anh với chị đều muốn gần gũi nhau, sao lại xa cách khi cả hai cùng chung một mái nhà, cùng ngủ chung một giường?”.
Đến lúc này, anh chồng mới từ từ “bật mí” cho thẩm phán rằng, anh ta vốn là người nhạy cảm, chỉ một cử chỉ hoặc lời nói than vãn, trách móc, sỗ sàng, thô bạo của vợ là đã khiến anh tụt cảm xúc, không thể hưng phấn, đến nỗi không muốn và không thể làm gì với cô ấy. Anh còn kể, có đêm “hai đội chuẩn bị ra sân”, đang “khởi động” bỗng vợ anh than thở: “Bố không quan tâm kèm cặp con học, để đến nỗi con bị điểm kém, nhục mặt! Bố con liệu mà bảo nhau, chứ thế này đúp lớp là chắc!”. Lại có đêm, anh đang hào hứng, chuẩn bị “vào trận”, vợ anh lại tuôn ra: nào là “tháng này tiền điện cao quá”; “lương của anh sao tháng này kém tháng trước những mấy chục nghìn!?”; rồi “tiền góp giỗ bên nội từ giờ anh lo đi, cứ đổ dồn hết vào đầu vợ, tôi có phải là ngân hàng đâu, họ hàng nhà anh lại cười tôi là con dâu đoảng!”… Tóm lại, anh đành chịu đựng “chay tịnh”, chứ không thể làm gì được khi vợ cứ nhè lúc chuẩn bị quan hệ lại “nổ” hàng tràng những thở than, trách móc khiến cảm hứng trong anh bay biến mất tiêu.
Sex đâu chỉ là quan hệ xác thịt
Đâu đó trong cuộc sống, có một số cặp vợ chồng ban ngày cãi nhau chí chóe, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn căng thẳng, nhưng kỳ lạ là đêm đến cả hai vẫn quấn lấy nhau hòa hợp lắm. Tôi cho rằng đó chỉ là số ít, là những trường hợp đặc biệt (và bài viết này không đề cập đến những trường hợp hy hữu đó). Trong đời sống gia đình nói chung, sex không chỉ là quan hệ xác thịt đơn thuần, tách rời đời sống tinh thần, mà sex gắn liền với những lời nói, cử chỉ, ánh mắt biểu hiện sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ của hai người, cùng nhau hưởng thụ sự ngọt ngào của tạo hóa cũng như cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để xây dựng một gia đình êm ấm.
Không ít bà vợ cho rằng, tất cả những điều nói với chồng trong bối cảnh “giường chiếu” thường có tác dụng giáo dục cao, thường đem lại hiệu quả tối ưu vì chồng “yêu mình” nên phải nghe và “vâng lời” vợ. Nhưng họ đã lầm, nói thẳng đó là một quan điểm sai lầm nghiêm trọng, cần được kịp thời sửa chữa để những cuộc yêu được diễn ra theo đúng nghĩa là một hạnh phúc với những khoảnh khắc tuyệt vời không gì thay thế được.
Kẻ thù của sex chính là sai lầm của không ít vợ / chồng, cả do vô tình hoặc cố ý đã đem những than thở, trách móc về “cơm, áo, gạo, tiền” lên giường, đã giết chết cảm hứng và niềm khát khao của đối phương. Thật đúng là cơm áo không đùa với sex.