Cuối tháng giêng, mùa đông chưa hẳn chấm dứt nhưng nàng Xuân đã thấp thoáng bóng hồng. San Diego là một thành phố nhỏ, êm đềm với ánh nắng chan hòa, bầu trời trong xanh và những làn gió mát dịu. Lần đầu tiên Liên Hội Tuổi Trẻ đứng ra nhận trọng trách tổ chức Hội Chợ Tết kể từ Xuân Bính Tuất, 2006.
Liên Hội Tuổi Trẻ là một đoàn thể kết hợp nhiều sinh viên từ các trường đại học ở San Diego và những người trẻ giầu nhiệt huyết, tích cực hoạt động trong cộng đồng Việt Nam.
Cảm xúc trước tấm lòng hăng say làm việc vô tư của nhóm người trẻ chỉ nhằm mục đích bảo tồn văn hoá Việt Nam cũng như giới thiệu những nét đẹp Việt Nam đến người bản xứ, Hội Văn Hoá Khoa Học Việt Nam, Phân Hội tại San Diego cũng sẵn sàng tiếp tay bằng cách tổ chức một Gian Hàng Thả Thơ, để vui “cuộc đỏ đen cùng chữ nghĩa” trong dịp du xuân.
Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam không hẳn là một đoàn thể của những người trẻ, mà là một tổ chức kết hợp bởi nhiều thế hệ, với những hội viên từ mười tám xuân xanh cho đến những hội viên trên tám mươi mà xuân lại càng xanh hơn.
Điểm đặc biệt của Hội là các Hội Trưởng, Phân Hội Trưởng đều là những người “tuổi trẻ tài cao” theo đúng truyền thống “tre già măng mọc” “ lớp sóng sau vượt cao hơn ngọn sóng trước”.
Nhận lời tổ chức Gian Hàng Thả Thơ mà cả Hội đều “run”, vì số hội viên ít ỏi mà lại còn hụt mất hai hội viên nòng cốt, nhiều kinh nghiệm, “một chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt” và một người “ ngoài những lúc quán xuyến tề gia, hãy hướng lòng ta đến những ai đang cơ hàn”.
Hội trưởng Minh Hằng phải e-mail tới tấp để trấn an tinh thần hội viên, Như An phải thường xuyên đáp tàu điện Amtrack từ Santa Ana xuống San Diego dể họp hành, ôm đồm phần lớn công việc về mình để những hội viên bô lão được an tâm.
Những tác giả có bài thơ được chọn nhiều nhất là Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương, Hữu Loan...
Những tập thơ được chuyền tay nhau để soạn ra các câu đố, cuối cùng chọn được 150 câu, dùng cho 6 buổi Thả Thơ. Khâu chép thơ vào giấy mất rất nhiều thời giờ, ai nấy nhìn nhau ngao ngán, may sao có hai chị Thúy Hạnh và Lệ Hà “liều mình cứu chúa” nhận chép 3 tập, Liên Hoa chép một tập, còn Minh Hằng hăng hái nhận 2 tập.
Tưởng là Minh Hằng chịu khó, ai ngờ đến khi Minh Hằng đem nộp hai tập thơ, cô nàng cười hì hì “ Em chép có một tập, còn một tập em năn nỉ sếp em viết giùm. Anh ấy phải bò lăn ra sàn nhà để viết, viết xong anh ấy còn la cho em một trận là không lo làm , chỉ lo thả thơ”. Mọi người nhìn nhau ái ngại, sau buổi thả thơ, thấy Minh Hằng vẫn còn việc làm, tất cả mới thở phào, yên chí.
Ngày 30 tháng chạp, Hội chợ được khai mạc, anh Hạnh phải huy động toàn gia đến địa điểm để đóng sân khấu, kết đèn lồng và sửa soạn hệ thống âm thanh. Gian hàng Thả Thơ nằm ngay bên cạnh ngôi làng Việt Nam.
Những người tham dự, không ai có thể bỏ sót, không ghé thăm ngôi làng với Khuê Văn Các cao ngất ngưởng, mái nhà tranh xinh xắn, căn nhà sàn nho nhỏ, lại có cả quán nước bên đường với nải chuối chín, bát chè tươi, và cũng để liếc mắt ngắm cô hàng be bé xinh xinh.
Gian Hàng Thả Thơ cũng rộn rịp không kém, anh Hạnh và gia đình, Minh Hằng và Ngọc Thúy trong màu áo tứ thân tươi tắn, má hồng, môi thắm, tóc đuôi gà vắt vẻo. Ai nhìn mà chẳng xuất khẩu thành thơ: “Cổ tay em trắng như ngà. Con mắt em sắc như là dao cau. Nụ cười như thể hoa ngâu. Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.”.
Như An, đôi mắt biết cười, hàm răng như hạt lựu. Khi Như An mở tờ giấy dán che chữ đúng trong câu thơ, mắt cười, môi cười, chắc chắn có nhiều người ngơ ngẩn, không biết rằng mình thắng hay thua.
Liên Hải thì ra dáng một tiểu thư Hà thành trong tà áo lụa tím mênh mang, khăn nhung đen tuyền, vấn tròn lẳn làm nổi bật khuôn mặt tươi như trăng rằm, cặp mắt lá dăm lóng lánh.
Liên Hương, giọng ngâm đến từ Sacramento , ngọt ngào trầm ấm: “ Là thi sĩ, nghĩa là chơi với chữ. Đùa giỡn câu, và nghịch ngợm cùng vần. Gom ý tình cất giấu ở thâm tâm. Rồi kết lại “Thả Thơ” bay theo gió.”
Giọng ngâm vừa cất lên, nhiều người đã ghé bước lại, tò mò chờ đợi. Minh Hằng nhanh nhẹn mở lời giới thiệu buổi Thả Thơ. Lạc Hữu Trí, súng sính trong bộ áo dài, khăn đống, tươi cười giới thiệu cách chơi và chọn một câu thả thơ làm mẫu. Câu thơ của Bùi Giáng mà anh Trí hóm hỉnh giới thiệu là “Đệ Nhất Anh Hùng trong nghệ thuật chơi chữ”.
“Mình ơi! tôi gọi bằng nhà
Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi
Bây giờ xuôi ngược đôi nơi
Thôi ... ở lại tôi dời chân đi.”
Nơi anh Trí đọc "chấm chấm chấm", có một tờ giấy, dán che chữ đúng trong câu thơ trên. Như An đưa tặng vé, mời mọi người cùng thử “Thả Thơ” bằng cách chọn một trong năm chữ để điền vào chỗ trống “ mình, nhà, nàng, người, em”.
Một thanh niên trẻ măng, gật gù. “À, thì ra là multiple choice (nhiều phương án lựa chọn)”. Mọi người cười ồ, hăm hở đặt vé vào chữ hợp lý nhất.
Minh Hằng duyên dáng nhắc nhở mọi người. “ Chúng ta thường suy nghĩ, và tìm chữ hợp lý nhất. Nhưng Minh Hằng xin nhắc quí vị là, chúng ta suy nghĩ bằng khối óc, còn thi sĩ, họ lại suy nghĩ bằng con tim, họ làm thơ theo cảm xúc, nên nhiều khi chữ hơp lý đối với chúng ta, lại vô nghĩa đối với nhà thơ.”
Có lẽ chàng thanh niên trẻ, mới mười bảy tuổi đã “ngộ đạo”, nên anh chàng là người thắng nhiều nhất trong suốt buổi.
Buổi Thả Thơ thứ hai, hai cô thôn nữ xinh tươi Minh Hằng và Ngọc Thúy có lẽ đã làm khách du xuân hồn xiêu phách lạc nên mọi người thảm bại nặng nề. Mặc dù Minh Hằng đã tặng mọi người một câu đố đặc biệt. Nếu ai đoán đúng được tên thi sĩ đã làm những câu thơ sau thì sẽ được một vé free:
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.”
Minh Hằng chưa dứt lời , mọi người đã nhao nhao “ Nguyễn Bính, Nguyễn Bính”. Ai nấy đều hả hê, hớn hở. Ngọc Thúy đố tiếp luôn:
“Láng giềng đã ... đèn đâu?
Chờ em ăn giập miếng giầu, em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh.”
Khách thơ phải chọn một trong năm chữ “đốt, thắp, sáng, tỏ, đỏ”. Mọi người lại càng nhao nhao hơn nữa.
Có người năn nỉ “ Cô Thúy ơi, cô chọn chữ nào”. Thúy mỉm cười :’ Nếu Thúy chọn. thì chắc là sai, bởi vì Thúy lớn lên ở miền Nam, Thúy chọn “đốt”, đốt đèn. Mà Nguyễn Bính người Bắc, chắc là ông phải viết “thắp”, thắp đèn.”.
Một ông đáp, giọng chắc nịch "tỏ"; phải dùng chữ "tỏ" mới có chất thơ.” Mọi người nhìn ông , phân vân chờ đợi. Ông gật gù ngâm nga:
"Đèn Sài Gòn, ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho, ngọn tỏ ngọn lu”.
Người Bắc, người Nam gì cũng nói đèn tỏ, trăng tỏ, hết đó.”
Thế là mọi người ùn ùn đặt vé vào chữ “tỏ”, rồi đồng loạt yêu cầu Như An .” Mở! Mở! Mở!”. Khi Như An bóc tờ giấy ra, tất cả đều chưng hửng. Chữ đúng là chữ đỏ. “ Láng giềng đã đỏ đèn đâu?”.
Sáng mồng một Tết, anh Hạnh và Minh Hằng khai trương buổi Thả Thơ thứ ba. Nhiều người đã đứng chờ đợi quanh sân khấu bởi vì” Hôm qua, tôi thua những chữ dễ quá, tức không ngủ được. Hôm nay phải “phục thù”.”
Anh Hạnh cười cười, thông cảm, vì anh Hạnh hôm qua cũng thua liểng xiểng, vì tất cả những câu thơ đều được giữ bí mật như đề thi Tú Tài vậy. Minh Hằng, lúc nào cũng rộng rãi, lại tặng khách yêu thơ một câu đố làm quen. Ai là tác giả của mấy câu thơ sau. “ Sợi buồn con nhện giăng mau. Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Lòng anh mở với quạt này. Trăm con chim mộng về bay đầu giường.” .
Liên Hương cất tiếng hát “ Nắng chia nửa bãi chiều rồi..” hoà theo tiếng đệm ghi ta của anh Giang, giáng điệu thật nghệ sĩ. Mỗi khi Liên Hương cất giọng ngâm, mọi người đều im bặt, ngay cả gian hàng đánh Lô Tô ồn ào bên cạnh cũng ngừng rao hàng, lắng nghe. Nhưng khi Liên Hương vừa dứt, máy phóng thanh của gian hàng bên cạnh lại tiếp tục gào lên “ Số ba mươi sáu, là cái con gì?”.
Vui nhất là khi đố thơ “Lục Vân Tiên”, bằng giọng nói miền Nam hồn hậu, chân chất, anh Hạnh ngâm nga câu thơ tả lúc Kiều Nguyệt Nga bị giặc cướp Phong Lai bắt giữa đường.
“Bây giờ xuống cướp thôn hương
Thấy con gái tốt qua đường bắt đi
Xóm làng chẳng dám nói chi
Cảm thương hai ... nhi mắc nàn"
Trong 5 chữ “kẻ, ả, đứa, gã, phận”, chữ nào nghe cũng xuôi tai.
Mọi người tha hồ bàn tán. “ Tôi chọn chữ ả. “Đầu lòng hai ả tố nga. Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.” . Vé đặt tới tấp vào chữ ả.
Anh Hạnh cười cười: “ Nguyễn Du là người Trung, chỉ có người Bắc và người Trung mới gọi là ả. Cụ Nguyễn Đình Chiểu là người Nam không có gọi là ả.”
Mọi người lại vặn vẹo” Thế người Nam gọi là gì?.
Một người vọt miệng: “ Gọi là con nhỏ”. Mọi người cười ồ. Một thanh niên trẻ gợi ý” Đứa, người miền Nam gọi là đứa”.
Một cô gái mặc áo dài trắng, hoa hồng , còn trẻ nhưng rất giỏi thơ, đặt trúng nhiều lần, điềm tĩnh nói” Đứa nghe nôm na quá, Cụ Nguyễn Đình Chiểu là thầy đồ, ai lại dùng chữ đứa, phải dùng chữ “phận”, má hồng phận bạc.”. Nhiều vé lại dồn sang chữ “phận”. “Mở! Mở! Mở!”. Như An bóc giấy. Chữ đúng là chữ “gã”. Chỉ có một vé trúng của anh chàng thanh niên mười bảy tuổi ngày hôm qua.
Mọi người trầm trồ. Anh chàng nói tỉnh bơ “ Em thấy chữ nào weird nhất thì em đặt hà.” Tiếng cười, tiếng nói, tiếng reo hò làm vang động cả ngôi làng Việt Nam, khiến nhiều người phải dừng chân ghé lại, rồi cũng bị cuốn hút vào trò chơi tao nhã và hứng thú.
Theo Hội Văn hoá khoa học Việt Nam tại San Diego