Có một 'Argentina trong lòng châu Á'

TP - Sau chiến thắng của Argentina, không khí lễ hội tràn ngập đất nước Bangladesh. Chứng kiến niềm hạnh phúc và cách họ ăn mừng, ngay cả “quốc gia chính chủ” ở Nam Mỹ cũng cảm thấy ngạc nhiên.

Nhìn vào hình ảnh ghi lại rạng sáng 1/12, nhiều người sẽ liên tưởng đến buổi đại nhạc hội của ban nhạc tầm cỡ BTS. Không phải. Không một ai hiện diện trên sân khấu. Chỉ có màn hình led khổng lồ đang phát trận Ba Lan - Argentina. Lúc ấy đã là 2h sáng, nhưng 12 ngàn cặp mắt vẫn mở to, thậm chí không dám chớp vì sợ bỏ lỡ diễn biến nào đó của Messi và đồng đội.

Đây rồi, phút 46, Alexis Mac Allister mở tỷ số cho Argentina. Tất cả vỡ òa trong vui sướng. Tiếng hò reo ăn mừng cảm tưởng vang xa cả chục cây số. Cùng với đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.

Nhưng trận đấu vẫn tiếp tục. Thật may là Ba Lan không gây ra sự lo lắng giống như Saudi Arabia đã từng. Vì vậy họ chỉ tập trung cho việc chào đón bàn thắng tiếp theo. Khi nó đến vào phút 67, với pha lập công của Julian Alvarez, bữa tiệc chính thức bắt đầu. Nhiều người không thể chờ được đã lên xe máy và phóng ra đường, mang theo cờ Argentina và các dụng cụ có thể phát ra âm thanh. Tương tự cái cách thanh niên Việt Nam “đi bão”, chỉ khác là “bão” ở đây diễn ra hàng ngày, hàng giờ, từ thành thị đến nông thôn. Nó chỉ tạm lắng xuống trong lúc xem trận kế tiếp.

“Người Bangladesh yêu bóng đá, vì vậy chúng tôi yêu Argentina. Nó bắt nguồn từ Maradona. Hành trình chống lại nghèo đói, đả phá cường quyền, chiến tích lịch sử trước người Anh và cả những thói hư tật xấu của ông ấy khiến chúng tôi tìm thấy chính mình trong đó”.

Nhà báo Zulquarnain

Nhưng điều kỳ lạ nhất là cảnh tượng điên rồ này không xảy ra ở đất nước Argentina, mà là Bangladesh, nơi cách “quốc gia chính chủ” tới 17 ngàn cây số. Nằm ở Nam Á và theo Đạo Hồi, Bangladesh không có bất cứ mối liên hệ lịch sử nào với Argentina. Vậy tại sao họ lại cuồng ĐT Argentina hơn cả người Argentina?

Đám đông người hâm mộ Bangladesh cổ vũ Argentina tại thủ đô Dhaka. Ảnh: RealTimes

Mọi chuyện bắt đầu từ World Cup 1986, khi Diego Maradona ghi 2 bàn vào lưới Anh ở tứ kết. Thời điểm đó Bangladesh là một quốc gia non trẻ (giành độc lập năm 1971 sau khi tách khỏi Pakistan) và đang đối mặt với rất nhiều vấn đề, từ bất ổn chính trị, nghèo đói đến thiên tai. Maradona, ngôi sao đi lên từ khu ổ chuột và có phong cách bình dân, cùng Argentina nhận được sự tôn sùng một cách tự nhiên. Không chỉ mang lại cho người Bangladesh niềm vui để quên đi những khó khăn thường nhật, đó còn là những người hùng thực sự khi đánh bại nước Anh, thực dân đô hộ họ hơn hai thế kỷ rưỡi.

Sự cuồng nhiệt với Argentina của người Bangladesh lớn dần theo thời gian. Vì đội tuyển quốc gia ít có khả năng cạnh tranh, họ càng hâm mộ La Albiceleste, thậm chí biến đó thành… đội tuyển của mình. World Cup 1994 khi Maradona bị truất quyền thi đấu, nhiều cuộc biểu tình chống FIFA đã nổ ra trên đường phố Bangladesh. Còn mỗi lần Argentina chiến thắng, cả nước đồng loạt… treo cờ Argentina khiến một Thống đốc quận từng phàn nàn, rằng treo cờ nước khác như vậy “hơi khó coi”.

Tình yêu của người dân Bangladesh từng bị thử thách vào năm 2011. Khi ấy Bangladesh vẫn đang trong giai đoạn kiến tạo, chưa trở thành nền kinh tế lớn 41 thế giới và thứ 2 Nam Á như hiện tại. ĐT Argentina tới thủ đô Dhaka để chơi trận giao hữu với Nigeria. Cả nước phát cuồng, nhưng giá vé lại quá đắt, lên tới 100 USD, cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân hàng tháng. “Đó là thời điểm quyết định của chúng tôi”, nhà báo thể thao Zulquarnain nhớ lại. Cuối cùng dân Bangladesh đã vượt qua. Họ đã hy sinh nhiều tháng lương để lấp đầy sân vận động, chứng kiến những người hùng trước đây họ chỉ thấy trên TV.

Đó chỉ là một trong những điều điên rồ nhất người Bangladesh có thể làm với Argentina, những người hùng mang tới cho họ niềm hạnh phúc vô bờ bến.