Bản đồ ngành bán dẫn đang được vẽ lại
Trong cuốn sách về chiến trường bán dẫn do ông là đồng tác giả có đưa ra nhận định “Bản đồ bán dẫn toàn cầu đang được vẽ lại”. Ông có thể chia sẻ thêm về nhận định này?
Khi nhìn vào bản đồ bán dẫn toàn cầu trong gần 70 năm qua chúng ta thấy sự dịch chuyển gần như diễn ra qua từng thập kỷ. Sự phân công lao động dựa trên lợi thế so sánh dường như chưa lúc nào đứng yên.
Ở cấp độ công ty, sau mỗi 10 năm, số công ty bán dẫn trong nhóm 10 toàn cầu lại có sự xáo trộn. Năm 1990, trong nhóm 10 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới (tính theo doanh thu), có 6 công ty của Nhật và 2 công ty Mỹ. Đến năm 2010, số công ty Nhật giảm chỉ còn 2. Đến năm 2020, không còn công ty nào của Nhật trong nhóm 10 công ty dẫn đầu trong ngành bán dẫn. Thay vào đó, Mỹ tăng lên 7 công ty, Hàn Quốc có 2 công ty và 1 công ty của châu Âu.
Ở cấp độ quốc gia, tôi cho rằng, có 3 làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng bán dẫn. Lần thứ nhất là việc hoạt động sản xuất ở Mỹ dịch chuyển sang Nhật Bản và châu Âu. Lần thứ hai là dịch chuyển từ Mỹ, Nhật, châu Âu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Và lần thứ ba là lần dịch chuyển hiện nay mà chúng tôi gọi là tái định dạng bản đồ bán dẫn toàn cầu.
Trong bản đồ mới này, tất cả các trung tâm bán dẫn toàn cầu hiện nay đều muốn đưa hoạt động sản xuất của fab – nhà máy sản xuất chip bán dẫn quay trở lại trong nước bằng cách đầu tư mới hoặc mở rộng công suất nhằm đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng ở các loại chip hoặc các nút quy trình khác nhau.
Như vậy, trong thập niên kế tiếp, trong khi hoạt động R&D với ưu thế về EDA, IP, SME trọng yếu của front-end và back-end vẫn thuộc về Mỹ, châu Âu thì hoạt động chế tạo front-end sẽ có thêm công suất của Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và phần nào là Đông Nam Á. Hoạt động lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) vẫn sẽ được tăng cường ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và có thể mở rộng sang châu Âu.
Theo ông, trong cuộc đua về ngành bán dẫn, Việt Nam có cơ hội như thế nào và thách thức ra sao?
Xét theo các trụ cột về chính sách ngành bán dẫn mà cuốn sách Chiến trường bán dẫn của chúng tôi đưa ra, Việt Nam đang có lợi thế ở một số khía cạnh sau.
Về trụ cột chính sách, Việt Nam đang có quyết tâm chính trị và sự cam kết cấp cao khi Đảng và Chính phủ đã ban hành những văn bản quan trọng để xác lập khung khổ phát triển ngành bán dẫn của đất nước trong vòng 20 – 30 năm tới. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã lần lượt ban hành hoặc chuẩn bị ban hành các chính sách phối hợp đồng bộ với chủ trương của Chính phủ.
Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển bán dẫn do Thủ tướng làm trưởng ban.
Về trụ cột nhân lực, Việt Nam đã xác định được tầm quan trọng của nguồn nhân lực kỹ thuật bán dẫn chất lượng cao và đã thúc đẩy các trường đại học, viện nghiên cứu hiện thực hoá kế hoạch chuẩn bị nhân lực cho tương lai.
Về trụ cột môi trường kinh doanh, các hoạt động chuẩn bị về năng lượng đã được thảo luận nghiêm túc trong các chương trình nghị sự. Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế trong việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn nhờ vào các chính sách thương mại và đầu tư chủ động, tích cực của mình.
Nhưng thách thức với Việt Nam nổi bật nhất là chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong việc thu hút sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Đặt chân vào “chuỗi cung ứng tiềm năng”
Tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Ông có thể bình luận về tầm quan trọng, ý nghĩa của quyết định này đối với tương lai ngành bán dẫn Việt Nam?
Văn bản đưa ra một tín hiệu quan trọng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về quyết tâm, sự cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng, phát triển một ngành quan trọng với Việt Nam. Văn bản này đóng vai trò chỉ đạo, định hướng cho việc hoạch định chính sách của các bộ ngành và tạo ra tín hiệu dẫn đường cho các tổ chức khác thực hiện. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, văn bản này là một dạng nguồn lực quan trọng trong bối cảnh các nguồn lực như tài chính, công nghệ còn hạn chế.
Việt Nam cần làm gì để đặt chân vào chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, thưa ông?
Việc xây dựng ngành bán dẫn có thể là sự nghiệp của 10 năm, thậm chí 20 năm. Tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tính toán để trở thành một điểm trong “chuỗi cung ứng tiềm năng” của ngành bán dẫn. Hoạt động đầu tư xây dựng fab trong thời gian vừa qua đang tạo ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực kỹ thuật, về nhà máy ATP và về nguyên vật liệu.
Nếu đón đầu được nhu cầu này, vai trò của Việt Nam sẽ ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng. Do vậy, việc chuẩn bị về nguồn nhân lực rất quan trọng, không chỉ đào tạo nhân lực làm việc mà phải đào tạo cả “nhân lực đào tạo” đủ tiêu chuẩn, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển ngành bán dẫn cần đặt trong bức tranh chung gắn với quyết sách về chính sách ngành. Chất bán dẫn là “công nghệ hỗ trợ” của các công nghệ truyền thống lẫn công nghệ mới nổi.
Trong lịch sử, chất bán dẫn từng gắn chặt với nhu cầu về quốc phòng. Hiện nay, chính sách ngành của nhiều quốc gia đang được điều chỉnh và đánh giá để xác định yếu tố mang tính lợi thế so sánh trong thế kỷ mới. Vì vậy, việc hoạch định các chính sách phát triển bán dẫn cần có các hình dung tổng quát và chi tiết về hệ thống chính sách ngành mà quốc gia cần xây dựng trong tương lai.
Cám ơn ông!