Cơ hội cho phần mềm nguồn mở

TP - Phần mềm nguồn mở đang trở thành cứu cánh cho người sử dụng máy tính khi có thêm một doanh nghiệp Việt Nam bị Microsoft đâm đơn kiện vì vi phạm bản quyền phần mềm. Thực tế nhiều doanh nghiệp và cá nhân không phân biệt được phần mềm đang sử dụng có bản quyền hay không.
Nhiều người sử dụng máy tính không phân biệt được phần mềm có bản quyền hay không. Ảnh: Ngọc Châu

Khó phân biệt phần mềm bản quyền

Tình trạng máy tính xách tay đang sử dụng bỗng dưng màn hình sập tối, một dòng cảnh báo hiện lên màn hình, đại ý: “Bạn đang dùng phần mềm không bản quyền” xảy ra ở hầu hết các máy tính sử dụng hệ điều hành (HĐH) Windows không bản quyền. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều này. Khách hàng mua máy tính ở các cửa hàng tư nhân hiện nay hầu hết đều có sẵn phần mềm.

Tham khảo tại 1 số cửa hàng bán máy tính trên đường Lê Thanh Nghị, Lý Nam Đế, Bách Khoa… rất nhiều máy tính khi trưng bày đã được cài HĐH Windows, trong số này có nhiều bản trong dạng crack. Theo một nhân viên tại cửa hàng máy tính Nam Anh, phố Lê Thanh Nghị, để cạnh tranh về giá, các cửa hàng thường nhập các loại Laptop mới chỉ cài DOS (chưa có HĐH) để giảm chi phí.  Sau khi khách mua máy, cửa hàng sẽ cài Windows, cùng bộ Microsoft Office, Adobe… Đương nhiên, tất cả đều từ 1 chiếc đĩa Ghost không bản quyền. “Một chiếc máy tính xách tay bán giá 3-4 triệu, nếu mua đủ bản quyền thì phải lên tới 6- 7 triệu đồng” - anh này nói.

Đối với nhiều người, sở hữu 1 chiếc laptop giờ không phải là điều quá xa xỉ. Chỉ cần bỏ ra từ 3-4 triệu đồng, người dùng đã có được 1 chiếc máy tính đầy đủ chức năng cho công việc và học tập. Tuy nhiên, để bỏ ra 1 số tiền tương đương để cài toàn bộ phần mềm bản quyền cần thiết, xem ra không mấy ai làm. Sự dễ dãi trong hỗ trợ cài phần mềm crack cho khách hàng khiến nhiều người có ý nghĩ rằng, máy tính lúc mua về phải có đầy đủ các phần mềm để dùng. Thậm chí, nhiều người dùng không hề biết máy tính của mình đang sử dụng phần mềm crack hay có bản quyền.

Chủ động bản quyền bằng phần mềm nguồn mở

Ngày 24/6 vừa qua, Liên minh phần mềm BSA công bố vụ kiện dân sự đối với Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam vì sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Microsoft. Theo đó, BSA yêu cầu Cty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam bồi thường 748 triệu đồng cùng tiền án phí. Đây là doanh nghiệp thứ hai bị khởi kiện ra tòa án dân sự do xâm phạm bản quyền phần mềm sau vụ khởi kiện đầu tiên vào cuối năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Thẩm phán Tòa án Kinh tế, TAND thành phố Hà Nội cho biết, tuy Luật Sở hữu trí tuệ đã có từ lâu nhưng có ít vụ án liên quan vì  các bên đều muốn xử lý bằng biện pháp hoà giải, thông qua con đường trọng tài. Khi đưa ra toà là công khai, nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp. Vụ kiện lần này chủ yếu mang tính cảnh báo, răn đe đến hoạt động của các doanh nghiệp đang vi phạm bản quyền phần mềm.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam cho rằng, các cá nhân và doanh nghiệp cần chủ động về vấn đề bản quyền, tránh ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. Ông Nguyễn Long đánh giá, thực tế hiện nay, nhiều người dùng quen với sử dụng phần mềm bẻ khoá. Đến nỗi, không nhận dạng được phần mềm có bản quyền hay không. Trước tình hình này, phần mềm nguồn mở (PMNM) đã trở thành giải pháp, giúp các doanh nghiệp không phải bỏ chi phí quá cao để đầu tư phần mềm cho hệ thống máy tính.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cho biết, PMNM hiện nay rất phát triển bởi sự phổ dụng, thân thiện, quyền tuỳ biến và không phải trả tiền. Ông Quang đưa ví dụ về HĐH Windows với HĐH Ubuntu, Fedora… hầu như không có nhiều khác biệt. Các PMNM còn ưu việt hơn bởi độ an toàn, ít lỗ hổng bảo mật hơn, gần như miễn nhiễm với các loại virus máy tính. Phần mềm văn phòng Microsoft Office cũng có OpenOffice chức năng tương đương, đọc được tất cả các định dạng khác nhau như: doc, docx…

Tuy vậy, PMNM không phải không có những hạn chế, đơn cử như  Microsoft Office mua hàng nghìn phông chữ bản quyền, nên PMNM tương đương sẽ không chạy nuột nà được như phần mềm trả tiền. “Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang PMNM, có cả những cơ quan nhà nước, cái khó nhất hiện nay là thay đổi thói quen của người dùng” - ông Quang nói.

Được biết, PMNM thường miễn phí hoặc có phí hỗ trợ thấp hơn nhiều so với phần mềm thương mại cùng loại. Có những PMNM (đặc biệt là phần mềm máy chủ) có tính năng, độ tin cậy cao hơn phần mềm nguồn đóng và được sử dụng phổ biến hơn (ví dụ các phần mềm Mail server, Web server). Doanh thu của các doanh nghiệp làm PMNM thông qua dịch vụ, hướng dẫn cài đặt, huấn luyện sử dụng, nâng cấp phần mềm…  

Ngày 5/12/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Thông tư 20/2014/TT-BTTTT quy định về các sản phẩm PMNM được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Theo đó, quy định cụ thể Danh mục 31 sản phẩm thuộc 11 loại PMNM được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Bên cạnh đó, các sản phẩm PMNM được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước cần đáp ứng tiêu chí về tính mở và tính bền vững của phần mềm.