Ngày đầu xuân mới, Tạp chí TKV đã có cuộc trao đổi với đồng chí Khuất Mạnh Thắng - Phó TGĐ Tập đoàn xung quanh vấn đề này.
P.V: Cơ giới hoá trong khai thác luôn là một trong những vấn đề trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của TKV. Đồng chí có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Khuất Mạnh Thắng:
Quan điểm về đầu tư cơ giới hoá trong khai thác đã được Lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo xuyên suốt trong Chiến lược phát triển bền vững Tập đoàn là “Không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn”. Đồng thời, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TKV Lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng chỉ rõ “Trong 5 năm tới phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường áp dụng tự động hóa và cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến”.
Từ vai trò quan trọng đó, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò tại quyết định số 05/QĐ-VINACOMIN ngày 02/01/2013 và đã kiện toàn Ban chỉ đạo do TGĐ làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò của Tập đoàn đã định hướng:“Cơ giới hóa khai thác than hầm lò là một trong những chủ trương, định hướng lớn của lãnh đạo Tập đoàn. Do đó, triển khai cơ giới hóa phải mang tính đồng bộ, không chỉ cơ giới hóa khâu khai thác than mà cần phải cơ giới hóa cả trong đào lò và các công đoạn sản xuất khác. Quá trình cơ giới hóa thực hiện có lộ trình cụ thể, mang tính liên tục, lâu dài”.
Mới đây, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/ĐU ngày 15/12/2016 của Đảng ủy Tập đoàn cũng chỉ rõ những mục tiêu năm 2017 là: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác mỏ hầm lò, phấn đấu nâng tỷ lệ khai thác than hầm lò bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ lên 15 - 20% tổng sản lượng than khai thác hầm lò vào năm 2020. Cơ giới hóa khâu bốc xúc, vận tải, kiểm soát khí mỏ, tăng cường mức độ đảm bảo an toàn”.
P.V: Không thể phủ nhận những năm qua, Tập đoàn và các đơn vị đã có rất nhiều nỗ lực trong việc áp dụng cơ giới hoá vào khai thác. Vậy đâu là những dấu ấn TKV đã đạt được trong công tác này, thưa đồng chí?
Đồng chí Khuất Mạnh Thắng:
Những kết quả quan trọng phải kể đến đó là: trước năm 2010, TKV đã nghiên cứu và đầu tư áp dụng cơ giới hóa đào lò và cơ giới hóa khai thác than tại: Mông Dương, Khe Chàm, Vàng Danh…; đầu tư áp dụng rộng rãi cơ giới hóa công tác xúc bốc, vận tải... Năm 2013, triển khai nghiên cứu đề tài “Phát triển áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác than tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2015, lộ trình đến năm 2020” nhằm đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển cơ giới hóa tại TKV. Năm 2015, đưa vào vận hành các lò chợ cơ giới hóa khai thác than công suất 600 ngàn tấn/năm tại Hà Lầm, Dương Huy, Khe Chàm và lò chợ cơ giới hóa khai thác than vỉa mỏng công suất 180 ngàn tấn/năm tại Quang Hanh. Đồng thời, công tác cơ giới hóa khai thác than vỉa dốc bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH kết hợp máy bào và giàn mềm ZRY tại các Công ty: Mạo Khê, Uông Bí, Hồng Thái,… bước đầu đã cải thiện điều kiện làm việc, đạt được năng suất và đảm bảo an toàn lao động.
Đặc biệt, năm 2016, công tác cơ giới hoá đã có nhiều dấu ấn quan trọng. Sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa toàn TKV năm 2016 đạt khoảng 1,42 triệu tấn, chiếm 7% sản lượng khai thác hầm lò. Mức sản lượng này hiện chưa đạt mục tiêu của TKV (mục tiêu là đạt 9%) nhưng đã vượt xa các năm trước đây, gần gấp 2 lần mức sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa năm 2015 (Năm 2015 đạt 720 ngàn tấn). Trong khai thác lộ thiên cơ bản đã cơ giới toàn bộ các khâu sản xuất trên các khai trường mỏ bằng đồng bộ thiết bị tiên tiến: Máy xúc thủy lực, máy xúc lật; ô tô có tải trọng đến 100 tấn, ô tô khung mềm...
Trong đó, phải kể đến là tại Than Hà Lầm, lò chợ cơ giới hóa 600 ngàn tấn/năm đã đạt công suất thiết kế, lò chợ cơ giới hóa công suất 1.200 ngàn tấn/năm đi vào hoạt động hiệu quả đã khẳng định sự đúng đắn trong định hướng cơ giới hóa của Tập đoàn, đồng thời cũng khẳng định thợ lò TKV có đủ trình độ và tay nghề để làm chủ công nghệ. Thành công trên là kết quả phấn đấu bền bỉ của tập thể CBCNV toàn TKV trong việc nghiên cứu và triển khai áp dụng cơ giới hóa.
P.V: Mặc dù vậy, nhìn nhận thẳng vào thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cơ giới hoá hiện nay của TKV vẫn chưa đạt được theo kỳ vọng của lãnh đạo Tập đoàn. Theo đồng chí những điểm mấu chốt ở đây là gì? Những điều mà Tập đoàn đang đau đáu, trăn trở?
Đồng chí Khuất Mạnh Thắng:
Để áp dụng thành công cơ giới hóa cần phải có một số yếu tố: (1) điều kiện áp dụng phù hợp (đối với cơ giới hóa khai thác than là điều kiện địa chất); (2) có thiết bị, công nghệ hợp lý; (3) nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu,... Đây cũng là những băn khoăn, trăn trở của Tập đoàn trong việc đầu tư phát triển cơ giới hóa đặc biệt là cơ giới hóa khai thác than vì tổng quan điều kiện địa chất các mỏ than của Việt Nam nói chung, các mỏ TKV quản lý nói riêng rất phức tạp: Vỉa than biến động về chiều dày, góc dốc lớn; nhiều phay phá, đứt gãy, nếp uốn,…; trong nước chưa chủ động được công nghệ, thiết bị; nhân lực cho vận hành các đồng bộ thiết bị cơ giới hóa phải đào tạo mới từ đầu nên còn thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống thực tế.
Đạt được một số kết quả bước đầu trong công tác cơ giới hóa như ở trên, TKV cũng đã trải qua không ít khó khăn, thất bại trong đó phần lớn là do điều kiện địa chất thực tế biến động phức tạp; công nghệ, thiết bị phụ thuộc nước ngoài, việc lựa chọn dây chuyền công nghệ không sát với điều kiện thực tế Việt Nam; phụ tùng thay thế phải nhập khẩu làm gián đoạn sản xuất, giảm năng suất đồng thời cũng có một phần do công nhân vận hành thiếu kinh nghiệm xử lý các sự cố trong sản xuất. Tất cả những vấn đề tồn tại, vướng mắc đó đã làm bài học kinh nghiệm rất bổ ích cho công nhân cán bộ của TKV.
P.V: Với ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng của công tác cơ giới hoá, vậy định hướng cũng như những giải pháp trước mắt và lâu dài của Tập đoàn trong công tác này là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Khuất Mạnh Thắng:
TKV tiếp tục thực hiện các định hướng đã đề ra tại Chiến lược phát triển bền vững Tập đoàn, Nghị quyết của Đảng ủy và định hướng của Ban chỉ đạo cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò cũng như kết luận chỉ đạo của Tổng giám đốc tại Hội nghị tổng kết công tác cơ giới hóa khai thác, đào lò 2013 - 2015 và định hướng đến 2020 để phát triển cơ giới hóa. Trước mắt TKV tập trung vào các giải pháp:
Nâng cao hơn nữa vai trò của các Ban chuyên môn TKV trong tham mưu, định hướng công nghệ; nhất quán về quản lý, chỉ đạo điều hành để gắn kết các đơn vị tư vấn, cơ khí và sản xuất trong việc áp dụng cơ giới hóa.
Xây dựng các tiêu chí về điều kiện áp dụng cho các loại hình công nghệ cơ giới hóa để làm cơ sở, đánh giá lựa chọn.
Tổ chức thăm dò bổ sung làm sáng tỏ tài nguyên và nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp để từng bước triển khai áp dụng kết quả đề tài “Phát triển áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác than tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2015, lộ trình đến năm 2020” vào thực tế.
Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và xây dựng quy trình vận hành, giải pháp xử lý các sự cố thường gặp tại các lò chợ cơ giới hóa để áp dụng rộng rãi; nội địa hóa một số phụ tùng, thiết bị dễ hỏng để chủ động nguồn thay thế, sửa chữa cho các đồng bộ thiết bị cơ giới hóa.
Tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển KH&CN theo hướng tăng cường áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa nhằm “Xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than” theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.