Cô giáo vượt qua bất hạnh nhờ lòng yêu nghề

Mặc dù sức khỏe yếu, chồng mất sớm nhưng cô giáo Cẩm Thi luôn vững tâm đến lớp bằng cả lòng nhiệt huyết với học trò.

Cô giáo vượt qua bất hạnh nhờ lòng yêu nghề

Mặc dù sức khỏe yếu, chồng mất sớm nhưng cô giáo Cẩm Thi luôn vững tâm đến lớp bằng cả lòng nhiệt huyết với học trò.

Cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi.
 

Vào dịp Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, căn nhà nhỏ của cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Thạch Thất, Hà Nội lại đầy ắp tiếng cười của lớp lớp các thế hệ học trò.

Mặc dù nhiều học trò cũ hiện rất bận rộn với công việc nhưng đến ngày 20/11 vẫn tranh thủ thời gian cùng chồng, con vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số để đến thăm cô. Được nhìn thấy những học trò thân yêu do chính mình đào tạo năm xưa có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt trong sự nghiệp, cô Thi cảm thấy vui mừng và tự hào với con đường dạy học mà cả gia đình từ thế hệ ông bà, bố mẹ và cô cũng như con mình đã và đang nối tiếp nhau thực hiện.

Cô Thi vẫn còn nhớ rất rõ, từ hồi còn là học sinh Tiểu học, theo bố tham dự những giờ sinh hoạt ngoại khóa văn chương, được nghe kể về những tác phẩm văn học nổi tiếng, những áng thơ bất hủ, lay động lòng người, cô đã cảm thấy yêu văn chương và nghề dạy học từ đó. Chính vì thế mà cô đã quyết định thi vào khoa Văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội và lựa chọn nghề dạy học là chặng đường đi cho tương lai của mình.

Năm 1984, tốt nghiệp Đại học khi vừa tròn 21 tuổi, cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi được phân công lên Lạng Sơn dạy học. Gần 30 năm đứng trên bục giảng nhưng cô vẫn nhớ về những năm tháng cực khổ ngày đó.

Cuộc sống của các thầy cô giáo còn muôn vàn khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc không đủ ấm, điều kiện sinh hoạt hết sức thiếu thốn nhưng vẫn đoàn kết, an ủi, chia sẻ với nhau từng miếng sắn, củ khoai để vững tâm lên lớp, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Hồi còn dạy ở xứ Lạng, học sinh muốn đi học phải vượt qua 3 ngọn núi. Có những hôm thời tiết rét buốt, sương mù giăng kín chân núi, học sinh không đến lớp. Lo sợ các em bỏ học giữa chừng, cô lại tranh thủ ngoài giờ dạy học, đi bộ đến từng gia đình để vận động họ đưa con đến trường.

Nhiều hôm dạy học vào buổi tối hay đi vận động học trò tới lớp, phải đi qua những ngôi nhà mồ trong cái lạnh thấu sương, đường đi tối tăm, xa xôi hiểm trở nhưng cô Thi vẫn không quản khó khăn, vất vả. Đơn giản là vì cô nghĩ rằng, nếu giáo viên dạy học mà không có học trò đến lớp thì đó là một nỗi buồn lớn.

Nỗi bất hạnh ập xuống quá bất ngờ

Với những nỗ lực trong giảng dạy, cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi từng đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được tặng nhiều danh hiệu, bằng khen vì có nhiều sáng kiến trong dạy học.

Thế nhưng, ít ai biết được rằng, đằng sau những thành công đáng tự hào trong nghề “trồng người” cao quý, cô đã phải chịu đựng và vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ.

Sau 4 năm xa nhà khi công tác tại xứ Lạng, cô Cẩm Thi trở về quê nhà dạy học tại trường THPT Thạch Thất. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm, nào ngờ nỗi bất hạnh ập xuống cuộc đời cô vào những năm cuối của tuổi 20.

Bố của cô Cẩm Thi- một thầy giáo mẫu mực, người cha tận tụy vì các con đã đột ngột qua đời sau một trận cảm nhập tâm. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, chỉ mấy tháng sau, người chồng của cô cũng lại mất trong một tai nạn rủi ro khi đứa con trai mới được 14 tháng tuổi. Thời gian đó, bản thân cô Thi cũng bị bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải nằm viện.

Nhiều người đã từng khuyên cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi là nên đi bước nữa để có người chia sẻ khó khăn, làm chỗ dựa tinh thần nhưng cô lại “thương con càng nhớ lời chồng, lấy thân làm bức thành đồng che con”. Một mình cô đã âm thầm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vừa đi dạy học, vừa cấy thêm mấy sào ruộng, trồng khoai, sắn để nuôi con khôn lớn, trưởng thành.

Biết thương mẹ vất vả, chịu nhiều thiệt thòi, con trai cô đã chăm chỉ học hành và đến nay cũng nối tiếp mẹ theo nghề dạy học.

Thấu hiểu hoàn cảnh của cô, lãnh đạo nhà trường, bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh đã luôn động viên, chia sẻ để cô vượt qua khó khăn, tiếp tục giảng dạy. Và rồi tình yêu công việc, lòng nhiệt huyết với học trò đã giúp cô Thi vơi đi nỗi đau tưởng chừng như không thể vượt qua được để vươn lên trong cuộc sống và đứng vững mỗi giờ lên lớp, miệt mài bên từng trang giáo án.

Bằng tình cảm và lòng say mê với nghề, cô giáo Cẩm Thi như người mẹ thứ hai, luôn song hành, làm chỗ dựa cho tất cả học sinh thân yêu, nâng bước để các em đi đến thành công. Cô đã truyền cảm hứng học tập cho học sinh thân yêu thông qua những bài giảng, bài văn thấm đậm tình người...

Nhiều học sinh của cô đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố, điểm cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng. Phần lớn các em giờ đã thành đạt, trong đó có không ít em trở thành thầy, cô giáo.

Không chỉ nhiệt huyết trong giảng dạy, cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi còn rất yêu thương và tình cảm với học trò. Chính vì thế mà căn của cô luôn là nơi để những học trò nghèo đến để học tập, cùng nấu với cô những bữa cơm đạm bạc nhưng vô cùng ấm cúng.

Cô Cẩm Thi cảm động nhất là những dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, có học sinh nghèo chỉ mang một rổ khoai lang hay có em đứng 4-5 tiếng ở ngoài cổng trường chỉ để đợi tặng cô bó hoa. Dù những bông hoa ấy đã bắt đầu khô héo nhưng cô rất cảm động và hạnh phúc vì có những học trò luôn quý mến mình. Tình cảm đó như truyền thêm nghị lực để cô vững vàng hơn đi tiếp con đường mình đã chọn./.

Theo Chu Miên
VOV online

Theo Đăng lại