Cô giáo Thanh Nga dạy Vật lý đang gây sốt trên mạng xã hội tên thật là Trần Thanh Nga (SN 1998), gia đình có truyền thống sư phạm. Thanh Nga từng tốt nghiệp loại Giỏi khoa Sư phạm Vật lý ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội. Hiện dạy ở Trường THPT Việt Nam - Ba Lan.
Thanh Nga đã có những chia sẻ về đam mê và truyền cảm hứng cho học sinh về môn Vật lý, cũng như hành trình để biến ước mơ làm cô giáo thành hiện thực.
- Không ít người cho rằng học sư phạm ra khó xin việc, đi làm lại vất vả và thu nhập không cao. Thanh Nga nghĩ gì về điều này và từ bao giờ bạn muốn theo học ngành Sư phạm và chọn Vật lý?
Từ nhỏ tôi đã mơ ước làm giáo viên. Thi đại học, tôi không nộp hồ sơ vào ngành nào khác ngoài Sư phạm. Cũng biết rằng theo đuổi ước mơ làm nhà giáo có nhiều vất vả, nhưng tôi lại rất yêu học sinh và mong được truyền dạy kiến thức.
Tôi nghĩ rằng, nếu không giỏi, không chăm chỉ thì xin bất cứ ngành nghề gì cũng khó chứ không riêng ngành Sư phạm.
Ngay từ những ngày đầu tiếp cận kiến thức Vật lý khi đi học, càng tìm hiểu tôi càng thấy môn học này hấp dẫn, lý giải cách mọi thứ xung quanh ta vận hành, từ rất nhỏ như nguyên tử hay rất lớn như hệ mặt trời, vũ trụ; từ những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống đến những cỗ máy phức tạp…
Vì thế, tôi mong muốn chia sẻ, truyền cảm hứng tình yêu môn học này tới tất cả các bạn học sinh. Việc dạy học livestream cũng là cách để tôi theo đuổi đam mê của mình.
Dạy "live" từ sự khích lệ của học sinh
- Ai mang đến nhiều cảm hứng để bạn gắn bó với việc dạy học?
Người truyền cảm hứng cho tôi chính là các em học sinh. Đã có lúc tôi nghĩ không thể theo nghề này nữa. Nhưng khi lên lớp được dạy, được tiếp xúc và được học trò quan tâm yêu quý... tôi càng yêu, càng trân trọng và muốn gắn bó với nghề nhiều hơn.
- Tham gia mạng xã hội, nổi tiếng hay tai tiếng đều đối mặt với áp lực từ sự quan tâm, soi mói, yêu - ghét. Thanh Nga có nghĩ đến điều này và có sự chuẩn bị thích ứng thế nào khi livestream dạy học?
Thực ra, từ quyết định dạy “live” (trực tuyến - pv) đến những buổi giảng "live" của tôi được khơi nguồn từ sự khích lệ của học sinh. Những lúc "live" cũng có các bạn đồng hành, hỗ trợ mà tôi gọi là "lớp phó học tập".
May mắn tôi được cộng đồng những người yêu môn Vật Lý giúp đỡ nhiều. Hiện tại tôi chưa thấy nhiều áp lực vì đã xác định từ đầu chỉ livestream để giảng kiến thức cho học sinh, không phục vụ mục đích nào khác.
- Thanh Nga làm gì để đánh giá việc người học tiếp thu kiến thức, cũng như phản hồi của người học?
Hiện fanpage “Học Lý cùng Cô Nga” của tôi sau hai tuần lập đã có 25.000 người theo dõi. Các buổi dạy livestream có 40.000 - 100.000 view. Tôi thấy rất may mắn vì một cô giáo mới đi dạy như tôi làm sao có cơ hội chia sẻ kiến thức trước cả chục nghìn người cùng lúc. Đây là cơ hội, động lực, cũng là thách thức để tôi có các bài giảng đủ chất lượng, phong phú và hấp dẫn thu hút học sinh hơn.
Sau mỗi buổi livestream, tôi đều đọc lại các bình luận của học sinh. Ngoài ra, trên page của tôi cũng có đường link khảo sát ý kiến và lắng nghe những góp ý của người theo dõi.
Học Vật lý qua phim
- Được biết Thanh Nga đang thực hiện ý tưởng học Vật lý qua phim?
Ý tưởng này được một người bạn đã gợi ý cho tôi. Bạn ấy đã hỏi tôi rằng: Tại sao vừa thích phim vừa thích Vật lý lại không thể kết hợp điều đó với nhau?
Từ đó, tôi đã xem lại các bộ phim viễn tưởng nổi tiếng của Hollywood như các bộ phim về siêu anh hùng, đua xe…. Tôi cũng đọc sách của nước ngoài phân tích về những hiện tượng đó và tham khảo các tài liệu khác.
Ban đầu tôi vấp phải rất nhiều ý kiến chỉ trích, trong đó phần nhiều cho rằng “phim là phim, đừng mang những kiến thức Vật lý hay Toán học vào, xàm”.
Tôi đã cảm thấy rất buồn bởi không nghĩ vấp phải nhiều chỉ trích. Trong một video, tôi đã chia sẻ mục đích mang kiến thức Vật lý vào các bộ phim để mọi người có một cái nhìn tích cực nhẹ nhàng hơn về môn học này thường được đánh giá "khô, khó"; các bộ phim siêu anh hùng dù "ảo" tới đâu cũng đều dựa trên những lý thuyết Vật lý.
Ví dụ, Ant-man chẳng hạn, người làm sao thu nhỏ được nhưng vật lý lượng tử là môn học quen thuộc nghiên cứu về những thứ rất nhỏ, biết đâu bộ phim lại truyền cảm hứng cho các bạn nghiên cứu vật lý.
Ở nước ngoài đã triển khai những nội dung Vật lý ứng dụng như thế này rất nhiều. Còn ở Việt Nam chưa ai làm cả, và tôi tự tin đến giờ với content này đang chỉ có mình tôi làm. Đến nay, những content Vật lý qua phim của tôi dần được mọi người đón nhận và yêu thích nhiều hơn. Tôi rất vui vì điều này.
Giáo viên Vật lý của thế hệ Gen Z
- Dư luận và xã hội luôn đòi hỏi sự chuẩn mực, sư phạm trong ứng xử giao tiếp, truyền dạy kiến thức và hình ảnh cá nhân đối với những người làm nghề giáo, nhất là thầy - cô nổi tiếng trên thế giới "ảo" lẫn thực. Thanh Nga đánh giá điều này thế nào?
Tôi ủng hộ quan điểm này. Nghề giáo là một nghề thiêng liêng. Tôi được đào tạo bài bản trong môi trường sư phạm nên luôn ghi nhớ chuẩn đạo đức người thầy. Từ chuẩn bị trang phục khi lên lớp, đến cử chỉ, lời ăn tiếng nói với đồng nghiệp, học sinh cần có chừng mực ra sao… Dạy học trên thế giới “ảo” càng phải cẩn trọng hơn trong phát ngôn và những bình luận giao lưu với học sinh.
Tôi luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện mình ngày một tốt hơn.
- Cô giáo Thanh Nga muốn xây dựng hình ảnh cá nhân thế nào?
Cô giáo Thanh Nga là giáo viên Vật Lý của thế hệ Gen Z, kết nối với học sinh bằng các nền tảng mạng xã hội để đưa kiến thức Vật lý gần gũi và dễ tiếp thu hơn.
Xin cảm ơn Thanh Nga!
Trong bốn năm học đại học, tôi có làm gia sư. Sau khi tốt nghiệp đến nay, tôi đã giảng dạy ở trường được một năm.
Tôi mới đi dạy nên có thể chưa gặp sự cố, hay điều gì gọi là "thất bại". Tôi nghĩ mỗi ngày đi dạy cũng là ngày “học” thêm nhiều điều. Học sinh của tôi bây giờ là thế hệ “GenZ” (sinh năm 1997 trở đi), các bạn rất năng động, tiếp cận công nghệ số, do đó, tôi cũng cần cố gắng bắt kịp với học sinh qua các kênh Facebook, Tiktok.
Sắp tới, tôi sẽ làm các thí nghiệm vui Vật lý để đưa môn học này tới nhiều bạn trẻ hơn. Đồng thời, để các bạn thấy Vật lý không khó, không "đáng sợ" mà rất gần gũi, thường ngày.