Cô gái Kh’mer: Khổ mấy cũng phải học làm giáo viên

TP - Sa Ly Phah sinh năm 1999, nổi bật trong số những bạn cùng trang lứa bởi chiếc khăn quấn “Kh’mer mà không giống Kh’mer” cô đội trên đầu. Sa Ly Phah đến từ Tây Ninh, cô nói: Người Kh’mer ở Tây Ninh không giống người Kh’mer ở Bình Thuận, bởi chúng em theo đạo Hồi của Malaysia.

Sa Ly đang theo học khoa Địa lý tại Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Sa Ly kể: Hồi lớp 9 được đi thi học sinh giỏi môn Sử, khi đó cũng rất thích học Sử. Sau lên cấp ba, có một thầy dạy Địa lý “rất là tuyệt”, từ khi đó cô trò nhỏ đã đặt mục tiêu cho mình: phải thành giáo viên dạy Địa lý. “Em muốn có điều kiện dạy tụi nó, giúp tụi nó như em đã từng được giúp đỡ”, Sa Ly nói muốn sau này về Tây Ninh làm cô giáo.

Năm lớp 2, Sa Ly mất mẹ. Bốn năm sau, bố có gia đình riêng. Từ đó hai chị em phải sống nhờ ông bà ngoại. Ngoài thời gian lên lớp, Sa Ly và chị gái đều đi lột vỏ điều kiếm tiền. Đến khi được vào trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Ninh, có tiền trợ cấp của nhà nước khoảng 900.000đ/tháng, hai chị em vẫn đi làm thêm đủ mọi việc để tích lũy tiền học lên cao. Mỗi một ngày lột vỏ điều “hết công suất” Sa Ly được trả 70-80.000 đồng. Cô kể: Người Kh’mer ở Tây Ninh ít học cao, con gái học đại học càng ít. Nhưng may mắn trong nhà, mọi người đều ủng hộ Sa Ly học lên. Khi ông bà ngoại già yếu, không còn khả năng lao động, có lúc gia đình quá khó khăn muốn bỏ học thì ông bà cô chú lại động viên: có học mới thay đổi được cuộc đời! Nếu bỏ giữa chừng, số phận có thể lại giống như hầu hết thanh niên Kh’mer hiện tại, chỉ có ba lựa chọn: đi lột vỏ điều, làm trong xí nghiệp chà là hoặc làm ruộng.

Sa Ly Phah nổi bật trong số những bạn cùng trang lứa bởi chiếc khăn quấn Kh’mer. Ảnh: An.

Hiện ở trường sư phạm, Sa Ly phải tự túc tất cả kinh phí. Trước đây, cô từng làm đơn xin học bổng Viso nhưng vì không đủ giấy tờ chứng minh là hộ nghèo (do hộ khẩu Sa Ly để bên nhà bố) nên không được. Cứ ba tuần bố gửi cho cô 1 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện mới tạm đủ. Cô vẫn đang tìm việc làm thêm ở Sài Gòn để trang trải chi phí nhưng đều là những việc thời vụ, khi có khi không.

Sa Ly là người mộ đạo, khi lên Sài Gòn học, nhiều bạn cùng làng đã bỏ tục đội khăn, nhưng Sa Ly “đội miết”. Ra đường, đến trường, ra phố cô đều mang trang phục Chăm Tây Ninh. “Ban đầu nhiều người thấy kỳ cứ nhìn em chằm chằm, nhưng mãi rồi họ cũng quen”, Sa Ly nói