Cô gái 9x khởi nghiệp giữa mùa dịch từ phế liệu điện tử

TPO - Tận dụng những linh kiện điện tử tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi, Nguyễn Thị Bội Linh (phường 5, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) đã biến chúng thành phụ kiện móc khóa cực kì xinh xắn, tạo ra nguồn thu nhập trong thời gian nghỉ dịch COVID-19.

Bén duyên với handmade từ cuối năm 2019, trong một lần Bội Linh (SN 1994) được người bạn cho xem các vật dụng trang trí làm bằng tay. Cô nàng lúc này đã nảy ra ý tưởng trang trí cho căn phòng mình thêm rạng rỡ hơn. Bắt đầu từ đây, bạn trẻ tự mày mò tìm nguyên liệu làm sao vừa có thể tái chế được để giảm thiểu rác thải, vừa thỏa sức sáng tạo những thứ mới lạ.

Nhận ra con người hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị điện tử, điều này khiến cho số lượng kim loại và chất thải hóa học ngày càng lớn, nên Linh đã tìm kiếm những linh kiện cũ để “biến hóa” chúng thành những sản phẩm đẹp mắt. Tìm đến ý tưởng tái chế phế liệu điện tử thành móc khóa sinh động, Linh chia sẻ: “Mình tham khảo trên mạng thấy các linh kiện được các bạn ở Nhật tái chế ra thành phẩm rất dễ thương. Mình đã biến tấu một chút để sản phẩm phù hợp hơn với điều kiện ở đây”.

Bội Linh bên sản phẩm handmade của mình

Tháng 3/2020 khi thử đăng lên Facebook một vài sản phẩm mình làm được, Linh không những nhận được sự khen ngợi từ bạn bè, mà nhiều người còn giới thiệu cho người thân của họ. Tận dụng thời gian nghỉ dịch, phải hạn chế đi lại, tiếp xúc, Linh đã tự tạo ra lợi ích kinh tế cho mình. Cô nàng bắt đầu học thêm từ một anh bạn về chất liệu keo AB để có thể làm ra sản phẩm ngày càng đẹp mắt. Ngoài ra, Linh đẩy mạnh gia công mặt hàng và bán thêm trên các trang thương mại điện tử. Cô nàng nói: “Được nhiều người ủng hộ nên mình cũng mạnh dạn làm ra nhiều sản phẩm độc đáo khác từ vỏ ốc thật, móc khóa hình hoa thật kết hợp cùng chất liệu resin (cứng, bền và không vỡ),… Vì thế mà thu nhập dần ổn định hơn trước”.

Chia sẻ về nguồn nguyên liệu để tạo ra thành phẩm, Linh cho biết được lấy từ linh kiện máy tính hỏng và tìm mua thêm ở chợ linh kiện vi mạch từ loa hoặc ampli cũ, có nhiều lần xin được từ hàng xóm xung quanh. Để sản phẩm được hoàn thiện, không chỉ dựa vào cách sắp xếp linh kiện độc đáo, mà còn là cả quá trình gia công tỉ mỉ và dùng các chất phụ gia tốt. “Quá trình lấy sản phẩm ra khỏi khuôn silicon và đánh bóng sẽ hơi mất thời gian để làm bóng đẹp bề mặt. Muốn được vậy, phải chọn loại dùng trong đánh bóng ô tô hoặc các loại đánh bóng tốt tương tự”, Linh tâm sự.

Với tinh thần mày mò sáng tạo không ngừng nghỉ, bằng đôi tay khéo léo của mình, Linh đã tái chế các nguyên vật liệu không tốn nhiều chi phí mà vẫn mang vẻ đẹp bắt mắt. Mỗi sản phẩm nghệ thuật tạo ra, cô bạn mong muốn có thể nâng tầm giá trị của chúng, đồng thời truyền cảm hứng sống xanh đến mọi người.