Có đúng 40% GDP?

TP -  Khi cần nêu cao vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước, người ta thường nói đến con số gần 40% như là sự đóng góp của chúng cho tổng thu nhập quốc nội (GDP).

Tại buổi làm việc của lãnh đạo Chính phủ với lãnh đạo của hơn 100 tập đoàn và tổng công ty nhà nước ngày 10-3-2010, con số 40% (và trên 40% GDP) lại được nhắc đến.

Để phát triển sản xuất - kinh doanh, đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, Chính phủ cho rằng các tập đoàn và tổng công ty, lực lượng chiếm trên 40% GDP của cả nước luôn đóng vai trò quyết định (Vnexpress).

Các báo khác cũng đưa tin tương tự, thậm chí nói đến 40% GDP hàng năm, tức là thành tích đã được duy trì trong nhiều năm qua. Từ “gần 40%” trước kia đã được thay bằng từ “hơn 40%”.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê, cơ quan có thẩm quyền nhất nước về công bố các số liệu thống kê chính thống, đưa ra các con số chính thức về đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước vào GDP từ 1995 đến 2008 (bảng sau chỉ lấy từ 1998) như trong bảng in kèm bài:

Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là một bộ phận của các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước lại chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước.

Theo số liệu trên của Tổng cục Thống kê thì, suốt từ 1999 đến 2007, kinh tế nhà nước đúng là đóng góp gần 40% GDP. Nhưng từ năm 2008, không thể dùng từ “gần” nữa vì phần trăm đóng góp vào GDP, vẫn theo Tổng cục Thống kê, đã dưới 35%.

Như vậy, con số đóng góp 40% GDP hàng năm của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước cần xem lại.

Lưu ý dòng trừ bớt

Cũng nên lưu ý rằng đóng góp của “kinh tế nhà nước” cho GDP, theo thống kê, bao gồm cả đóng góp của nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (đóng góp 3,28% năm 1998 và 2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (3,66% năm 1998 và 2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hóa thể thao, đảng và đoàn thể (2,11% năm 1998 và 1,8% năm 2008) [tổng cộng là 9,05% năm 1998 và 7,18% năm 2008].

Rõ ràng, đóng góp của các lĩnh vực quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, hoạt động đảng và đoàn thể là thuần của nhà nước; giáo dục, y tế và văn hóa thể thao có sự đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp.

Có thể ước lượng phần đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước nếu ta lấy đóng góp của kinh tế nhà nước và trừ đi phần đóng góp kể trên. Tính với số liệu của Tổng cục Thống kê có kết quả nêu ở hàng cuối của bảng trên (dòng thứ ba từ trên xuống: dòng trừ bớt).

Do không có số liệu chính xác về đóng góp của tư nhân (và doanh nghiệp) vào giáo dục, y tế và văn hóa thể thao, nên hàng cuối chỉ là ước lượng đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước vào GDP (nhưng không thể cao hơn các con số này 1-2%).

Có thể thấy đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước vào GDP chỉ ở khoảng 27 đến 31% GDP và tỷ lệ này giảm nhanh trong ba năm trở lại đây.

Người ta có thể lý giải, có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) có vốn góp của các doanh nghiệp nhà nước, có các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và khi thống kê thành tích được tính cho khu vực FDI hay cho khu vực ngoài nhà nước. L

ưu ý rằng nếu vốn nhà nước trên 50% thì doanh nghiệp vẫn được tính là doanh nghiệp nhà nước và số liệu thống kê cũng vậy. Đóng góp của khu vực FDI vào GDP năm 1998 là 10,03% và năm 2008 là 18,68%.

Cần chính xác số liệu

Giả sử chúng ta ước lượng đóng góp của phần nhà nước trong các doanh nghiệp FDI và cổ phần hóa là 5% GDP đi nữa (tôi nghĩ đấy là ước lượng cao) thì các doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ đóng góp 36 - 32% GDP là cùng, nếu không muốn nói, thực tế, còn thấp hơn đáng kể con số ước tính ấy.

Đóng góp của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiển nhiên là còn ít hơn các con số này, thì lại càng quyết không thể là gần 40% và trên 40% được.

Ai cũng có thể cảm nhận được rằng dầu và than đóng góp đáng kể cho các con số đó, tức là từ tài nguyên không thể tái tạo được của đất nước. Vậy thành tích thực của chúng, các tổng công ty nhà nước, là bao nhiêu?

Thông tin, số liệu do các cơ quan hữu trách ban hành phải có tính nhất quán, nhằm nêu cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các cơ quan hữu trách và những người được giao chuẩn bị báo cáo cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, nên làm rõ các con số này. Đánh giá không chính xác, số liệu không chuẩn xác có thể dẫn đến các chính sách sai lầm.

Với nguồn lực to lớn của đất nước mà các tập đoàn sử dụng, thành tích đóng góp cho GDP và tạo công ăn việc làm từ các tập đoàn này là vấn đề cần phải làm rõ. Cải tổ triệt để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế.

Do vậy, đánh giá chúng một cách khách quan, chính xác là vô cùng quan trọng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?