Có buổi chiều nào như chiều nay...

TP - Đúng là buổi chiều hôm nay, 30/7, một chiều rất đỗi lạ lùng. Một đôi hũ tro cùng từ Sài Gòn quay về xứ Huế, cùng một lễ tưởng niệm. Của đôi vợ chồng tài hoa Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường…
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn đầu các võ sinh Dũng Nghĩa Đường chinh phục đỉnh Bạch Mã năm 1994 (ảnh võ sư Nguyễn Văn Dũng cung cấp)

35 năm trước, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bài thơ Kinh cầu trong mưa tiễn biệt đôi vợ chồng tài hoa Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng ra đi đột ngột sau một tai nạn giao thông. “Trôi trên hai nấm mộ/Một nghìn năm mông lung, Gửi hai cành hoa trắng/Về một màu khói hương”. Và giờ đây dường như ứng nghiệm với chính ông và vợ. Ngày 6/7/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời. Chỉ 18 ngày sau, đến lượt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rời cõi. Để xứ Huế chiều nay đón “Hai cánh chim bay về/Một tinh cầu đã tắt/Hai ánh sao sa mạc/Tan thành một cơn mưa”.

Chiều nay Huế không mưa. Những bông hoa kết vành nằm yên lặng. Toàn một màu trắng. Chúng lặng lẽ buồn như không còn muốn cất lên mùi hương, vào lúc này. Thấp thoáng cánh phù dung…

Từ địa chỉ buồn thế gian này, một hôm nào đó chợt nghe có tiếng gọi mơ hồ, người ra mở cửa, và “Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang” (Địa chỉ buồn). Nhưng người đã bước đi, bước mãi về hư vô để ngỏ cánh cửa sau lưng. Vẫn cái dáng đi như từ ngọn núi ảo ảnh bước về, dáng gầy mỏng, gù gù cúi cúi trên con đường sỏi đá. Như người từng tự nhìn thấy mình “Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng/Thu nhặt lại mình trên ngọn gió”.

Tôi đã nhớ lại cái dáng đi ấy, 28 năm về trước. Trên con đường trưa vắng ngắt từ làng Ngọc Hồ hướng về núi Kim Phụng, ông khoác cái áo trên vai trầm tư bước đi phía trước chúng tôi. Sau gần ngày trời đi bộ và leo hàng chục cây số đường núi, xẩm tối mới tới nơi. Đêm đó, 1/9/1995, trên phiến đá bằng phẳng khổng lồ trên đỉnh Kim Phụng, bốn người chúng tôi ngồi trầm mặc nhìn xuống ngọn kỳ đài nơi kinh thành Huế. Bốn người, là Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà nghiên cứu sử Mai Khắc Ứng và tôi. Để cùng đón thời khắc chuyển ngày đặc biệt, tròn 50 năm Tết Độc lập. Giờ bốn người ấy, chỉ còn lại mình tôi. Nguyễn Trọng Tạo sau đó làm bài thơ về chuyến thướng sơn kỳ lạ ấy, có câu “Tường già huyên thuyên mối tình thời chiến/Một cánh hoa rừng giờ còn xao xuyến”. Tôi giờ vẫn giữ lá thư ông Mai Khắc Ứng gửi từ Huế đề ngày 27/9 năm ấy. “…Mình gửi ông tấm ảnh của một đêm điên trên đỉnh núi. Ông Tường có mấy tấm ảnh mặt ngợm quái đản nhưng các vị trên làng Ngọc Hồ thích nên giữ kỹ rồi…”. Kèm thư là một bức ảnh chụp bằng phim, ánh sáng hơi nhòe như ngọn đuốc sáng rực nơi cột cờ kinh thành Huế, nhìn từ đỉnh Kim Phụng. Rất nhiều ánh lửa.

Sáng hôm sau, ra về. Xuống núi được một đoạn thì mọi người không thấy ông Tường đâu. Ai nấy hốt hoảng cắt núi chia nhau đi tìm, vừa hú gọi, nhưng càng tìm càng bặt tăm. Lúc ấy chỉ sợ ông nhà văn của Ngọn núi ảo ảnh trượt chân ngã đâu đó mà không biết kêu ai! Tìm mãi đến gần trưa, đành tuyệt vọng ra về, với hy vọng mong manh, rằng biết đâu ông đã đi đường tắt về nhà trước.

Khi về tới Làng văn hóa Về Nguồn nơi làng Ngọc Hồ (Hương Trà) của ông Ứng, thì đã thấy ông Tường đang nằm võng… ngủ ngon lành! Bị đánh thức, ông bật cười, “Tau mà đi lạc à!”. Ừ, ngọn núi ấy từng là chiến trường xưa của ông suốt gần 10 năm trai trẻ, tưởng chừng đã thuộc lòng từng hòn đá, bụi cỏ. Đọc trong bút ký Về chiếc panh-xô và khẩu súng của Trường, ông kể về thời trai trẻ trên đỉnh Kim Phụng với những trí thức đồng lứa. Đêm giao thừa ngồi bên đống lửa “luộc bánh chưng”, là những viên đá nhặt ở khe suối!

Không gian tưởng nhớ đôi vợ chồng tài hoa HPNT-LTMD tại Huế chiều 30/7/2023.

Ảnh: Hồ Đăng Thanh Ngọc

Giờ nhớ lại cảnh ông cởi trần quần đùi nằm võng ngủ ngon lành, tự hỏi đời ông biết có giấc mơ nào đi lạc không? Mà sao nhiều phù dung, phù du đến thế? Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường hầu như bài nào, câu nào cũng có hoa. Ngay cả cỏ, với ông cũng là loài hoa trường tồn bền bỉ nhất. Lại có cả một loài hoa mang tên “thế hệ” “Thương loài hoa thế hệ/Biết đỏ hết sức mình” (Bốn mùa). Nhưng ám ảnh hơn cả, là hoa phù dung, một loài cẩm quỳ rất đẹp, mong manh sớm nở tối tàn. Nếu cuộc đời Hoàng Phủ thu gọn lại còn một ngày, thì tôi dám chắc rằng đó là “Ngày anh đi hái phù dung chưa về”(Đêm qua). Nếu tình ái thu lại còn một cành hoa, thì “Anh hái cành phù dung trắng/cho em niềm vui cầm tay” (Dù năm dù tháng). Dù nhiều lúc tự vấn “Tôi hỏi thầm hoa có thực hay không”. Với Hoàng Phủ, phù dung cũng chính là phù du, “bụi phù du kết thành tinh thể”, là những vì sao xa xăm suốt đời thi sĩ hái bỏ vào cái túi “đựng đầy trống không”.

Người kết bạn với phù du đi hái phù dung. Cái phù du bất an của thời gian, đời người, nỗi ưu hoạn như Ức Trai từng dẫn lời Tô Đông Pha “Cái đời người biết chữ vẫn đầy lo âu hoạn nạn” (Mượn đá để ngồi) mà một cử nhân Triết của Đại học Văn khoa Huế như Hoàng Phủ luôn thấm đẫm, trăn trở giữa suy tư và hành động.

Bắt đầu từ 14 giờ chiều nay 30/7 đến hết đêm 31/7/2023, chương trình tưởng nhớ và dâng hương vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ do gia đình và Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế phối hợp được tổ chức tại trụ sở Liên hiệp Hội (số 1 Phan Bội Châu, thành phố Huế). Cũng tại đây, từ 19h30’ đêm 31/7 sẽ diễn ra đêm văn nghệ tưởng nhớ. Chương trình giới thiệu một số tác phẩm thơ, nhạc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ, nhạc sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ, đồng thời cũng là không gian để bà con, bạn bè, các văn nghệ sĩ tỏ bày những tình cảm dành cho đôi vợ chồng tài hoa của văn chương nước nhà trong đêm tiễn biệt. 5 giờ sáng 1/8/2023, từ trụ sở Liên hiệp Hội, tro cốt vợ chồng nhà văn sẽ được gia đình đưa lên an nghỉ tại Nghĩa trang phía Bắc thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế - gần thượng nguồn sông Hương và đồi Vọng Cảnh.

Hoàng Phủ đau đáu đi tìm Con Người trong Kinh dịch, tìm dáng đứng của con người trong Trung Thiên dịch của Trần Cao Vân. Để rút ra rằng con người có mặt ở khắp Kinh dịch, nhưng lại cũng “không có ở đâu cả”. Ông cũng bàn rất hay về Vị Tế, quẻ cuối cùng trong Kinh dịch. Quẻ 64 Vị Tế là “chưa qua sông”, nhưng trước đó quẻ thứ 63 là Ký Tế - “đã qua sông”. Đã-qua, nhưng rút cuộc lại vẫn-chưa-qua, ngược mọi lẽ thông thường, lại chính là một “thông điệp vĩnh hằng về phận người”. Giờ đây ông đã-qua-sông chưa? Hay vẫn còn dòng sông nào đó sắp hiện ra trước mặt, để hỏi tiếp ai đã đặt tên?

Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi chợt nghĩ như con chim huyền hạc trong thơ Cao Bá Quát (Huyền hạc độc túc thanh sơn hạng - Chim huyền hạc ngủ đêm một mình bên sườn núi). Ông viết về Cao Bá Quát, mà như tự vận vào mình, nỗi bất an của đời sống, số phận. Và cũng tự chọn cho mình, không làm được con hồng hạc hùng tâm tráng chí bay chín tầng cao, thì thà làm huyền hạc cô độc, chứ quyết không làm phận hoàng điểu chuyên kiếm ăn bụi bờ. “Có một con huyền hạc, thân xác rỗng không như khí trời, tâm linh tràn đầy ánh sáng, đêm đêm qua giấc ngủ” (Huyền hạc). Chuyến lên đỉnh Kim Phụng dạo ấy, có lẽ mục đích đi tìm thanh thứ 7 của bộ đàn đá mà ông Ứng nói với chúng tôi chỉ là cái cớ. Đêm sương dày, lặng phắc một bóng gầy trên đỉnh đá ngó xuống đời sống. Như bóng huyền hạc cô độc quên hết xung quanh mình. Có lẽ thế nên lúc về ông đã quyết “đi lạc”. Để được tự do soi lại bước chân quá khứ mà không bị ai quấy rầy.

Thư Mai Khắc Ứng gửi tác giả sau chuyến lên núi Kim Phụng. TL: Trần Tuấn

Trong tùy bút Cát bụi lộng lẫy, Hoàng Phủ một hôm nhìn lên bầu trời để nhận ra “Hóa ra nơi cõi vô cùng kia lại là Cát Bụi”. Nhưng không choáng ngợp trước hư vô, mà gọi tên con người. Khi nhắc lại một câu của St. Exupéry: “Cần có hai người để gọi tên một bầu trời xanh”. Giờ ông đã có hai người, cùng nhau trở về cát bụi, cùng nhau gọi tên một bầu trời xanh…

Hai chữ Cát Bụi viết hoa. Ừ cát bụi lộng lẫy, có lộng lẫy được không? Thời gian có xuẩn ngốc không? Có hay không, thì cuối cùng “Lẽ thường thôi, dù muôn vàn cát bụi/Người phải đi hết cuộc hành trình” (Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi).

“Có buổi chiều nào như chiều nay”. Nhớ câu thơ Dạ khúc, chiều nay ngó lên hương án ấy. Cuộc đời của đôi vợ chồng văn chương tài hoa này thật kỳ lạ: Đám cưới của hai người được tổ chức tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, và giờ đây, lễ tiễn biệt họ cũng diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế, theo ước nguyện cuối cùng.

Nơi thật nhiều hoa trắng và cả phù dung kia, như thấy ông về “ngồi giữa lặng im/...Không ai cười nói, không ai khóc... Tôi ngồi im vắng như lau sậy/Mờ mịt như màu sương khói thôi” (Thiền định). Hoàng Phủ đã viết vậy từ năm 2001 khi phận số đã buộc phải ngồi một chỗ. Kỳ thực cuộc ngao du với ông vẫn không thể, chưa thể nào dừng lại, tôi biết kể cả lúc này.

Nơi ấy, tôi thấy ông khẽ nghiêng đầu, như “Nhiều lần anh hỏi Dạ/Em có được vui lòng/Bên đời anh rất nhỏ/Giữa cuộc đời riêng chung” (Một ngày bỗng nhớ một ngày).

Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Món quà tặng sau cùng đời dành cho anh” không phải lời nguyện cầu, cũng không phải hoa, mà là “nắm đất ủ hơi tay bạn bè/Sẽ gửi theo anh” (Nói với bóng mình in trên vách).

Nắm nhân tình sau cùng ấy, rốt cuộc cũng vẫn chính là Cát Bụi.